Thị trường chứng khoán Campuchia có thể phát triển gấp đôi trong 5 năm tới

Thị trường chứng khoán Campuchia có thể phát triển gấp đôi trong 5 năm tới

Tại buổi chuyên đề được tổ chức hôm 08/02, các chuyên gia thị trường vốn cho rằng diễn biến trên thị trường chứng khoán Campuchia kém sôi động chỉ với 4 doanh nghiệp niêm yết kể từ khi chính thức khai trương từ năm 2011 được kỳ vọng sẽ sớm cải thiện, Phnom Penh Post đưa tin.

Theo đó, tham dự sự kiện do Công ty Luật Sciaroni and Associates tại Campuchia tổ chức, các chuyên gia thị trường vốn tỏ ra thận trọng nhưng khá lạc quan về xu hướng tăng trưởng kinh tế bền vững cùng với nhiều doanh nghiệp niêm yết hơn cuối cùng sẽ mang lại sức sống mới cho thị trường chứng khoán trong nước.

Ông Han Kyung Tae, CEO của Công ty Chứng khoán Yuanta (Cambodia) chỉ ra rằng Sàn GDCK Campuchia (CSX) không phải là thị trường duy nhất trong khu vực chứng kiến hoạt động ảm đạm như vậy.

“Nếu nhìn vào thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa giữa năm 2000, và thị trường chứng khoán Trung Quốc mở cửa vào năm đầu của thập niên 1990 cũng đã từng trải qua giai đoạn như vậy, và hiện tại chứng khoán Lào cũng cùng cảnh ngộ như Campuchia”, ông Han cho hay.

Sàn HOSE của thị trường chứng khoán Việt Nam khai trương trong năm 2000 và hiện tại có 307 doanh nghiệp niêm yết với giá trị vốn hóa toàn sàn đạt 51 tỷ USD vào cuối năm 2016, trong khi sàn chứng khoán Shanghai của Trung Quốc khai trương trong năm 1990 và có 1,213 doanh nghiệp niêm yết với giá trị vốn hóa đạt khoảng 4.1 ngàn tỷ USD.  Sàn Giao dịch Chứng khoán Lào mở cửa năm 2011 với 5 doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa trên 1.3 tỷ USD.

Ông Han nói thêm, đây chỉ là vấn đề về thời gian trước khi mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Campuchia thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư tìm kiếm lợi tức tại các thị trường cận biên.

Ông Han chia sẻ: “Dù CSX chỉ mới có 4 doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ hơn 200 triệu USD (khoảng 1% GDP của Campuchia) nhưng trong 5 năm tới, với quy mô thương mại trong nước, rất có thể sẽ có thêm nhiều công ty nữa lên sàn và khi đó tôi kỳ vọng vốn hóa thị trường có thể vượt 4 hoặc 5 tỷ USD”.

Theo ông Han, dự đoán xu hướng tăng trưởng này phần lớn phụ thuộc vào kỳ vọng các tổ chức tài chính như Acleda Bank, Công ty điện lực quốc doanh Electricite du Cambodge (EdC) và Công ty cảng quốc doanh Sihanoukville Autonomous Port (PAS) sắp tới sẽ tham gia vào CSX. Được biết, trong số các tổ chức này, hiện chỉ mới có PAS chính thức thông báo kế hoạch niêm yết và cho biết quá trình chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Theo quan điểm của Giám đốc quản lý tài sản Brian Erskine của Công ty Forte Insurance, để CSX thật sự phát triển, nhà đầu tư nước ngoài cần phải vượt qua quan niệm sai lầm về rủi ro của họ. Ông nói: “Trong khi quan niệm trên thế giới về rủi ro tại Campuchia vẫn ở mức khá cao, do xu hướng đào tạo cộng đồng đầu tư trên thế giới phát triển, tôi tin rằng quan niệm này sẽ dần giảm đi”.

Ông nói thêm, điều này sẽ xảy ra do xu hướng phát triển tại khu vực Mê Kông nói chung và triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Campuchia thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, ban đầu là tập trung vào các công ty minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Erskine cho rằng CSX được cho là có tiềm năng về lâu dài, điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư tổ chức trong tương lai. Ông chia sẻ: “Dù bạn chuẩn bị niêm yết hay đầu tư vào thị trường chứng khoán, bạn nên chuẩn bị để có được triển vọng dài hạn bởi vì phải có thời gian để nền kinh tế tạo ra thanh khoản và các đợt niêm yết mới cũng như theo kịp với các nền kinh tế láng giềng. Với tăng trưởng kinh tế của Campuchia, điều này chắc chắn sẽ xảy ra”.

Đề cập đến tính thanh khoản trên thị trường, ông Joseph Lovell, đối tác tại Sciaroni and Associates, thẳng thắn cho rằng thanh khoản thấp trên thị trường tiếp tục là cản trở chính cho CSX.

Tuy nhiên, ông cho biết ông cũng kỳ vọng thị trường chứng khoán Campuchia có thể phát triển gấp đôi trong 5 năm tới và sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài./.