Các nền kinh tế nào đang trở nên tồi tệ hơn trong năm nay?

Các nền kinh tế nào đang trở nên tồi tệ hơn trong năm nay?

* Venezuela lại đứng đầu danh sách này một lần nữa

Nếu 2016 là năm của những cú sốc về chính trị thì năm nay có thể là lúc chúng ta nhận thấy các tác động của chúng đến nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số khốn khổ (Misery) của Bloomberg, vốn theo dõi triển vọng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2017 của các quốc gia, sẽ cho chúng ta thấy được điều trên, Bloomberg cho hay.

Đây đã là năm thứ 3 liên tiếp, các vấn đề chính trị và kinh tế của Venezuela đã “góp phần” khiến quốc gia này đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia khốn khổ nhất trên thế giới. Và một lần nữa, quốc gia có mức độ khốn khổ thấp nhất lại là Thái Lan, chủ yếu là do cách thức tính toán tỷ lệ có việc làm vô cùng độc đáo của quốc gia này. Bên cạnh đó, cũng có một số quốc gia có nhiều sự thay đổi đáng chú ý như Anh, Phần Lan và Mexico.

Các tai ương về kinh tế đã tác động tiêu cực đến Venezuela trong nhiều năm qua. Cụ thể, chính tình trạng giá dầu ảm đạm đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ở Venezuela, qua đó khiến các kệ hàng của các cửa hàng tạp hóa bị bỏ trống, các bệnh viện thiếu những loại thuốc cơ bản và tội phạm bạo lực tràn lan khắp Venezuela. Mặc dù quốc gia này không công bố dữ liệu kinh tế kể từ năm 2015, nhưng chỉ số Cafe Con Leche của Bloomberg, vốn theo dõi lạm phát thông qua chi phí của một ly cà phê, cho thấy mức giá chung đã nhảy vọt 1,419% kể từ tháng 8/2016. Các chuyên gia kinh tế ước tính rằng giá sẽ tăng gần gấp 6 lần trong năm nay, kết quả của cuộc thăm dò từ Bloomberg cho thấy.

Chuyển biến tồi tệ hơn

Vốn đã trải qua một bước chuyển biến tiêu cực nhất trong bảng xếp hạng, Phần Lan hiện đang đứng ở hạng thứ 28 trong 65 nền kinh tế trong danh sách, tăng từ hạng thứ 45 trong năm 2016. Được biết, thứ hạng càng cao, thì quốc gia đó đang càng khốn khổ. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này đã giảm dần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng tỷ lệ lạm phát lại tăng lên 1.8% trong tháng 1/2017 sau giai đoạn giảm phát dài nhất trong lịch sử. Tương tự, đà tăng của giá hàng hóa ở Romania, Estonia, Latvia và Slovakia đã khiến những quốc gia này tăng thứ bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia khốn khổ nhất.

Mức độ khốn khổ cũng gia tăng ở Mexico. Sau khi khép lại năm 2016 ở thứ hạng 38, quốc gia này lại tăng lên hạng thứ 31 khi nâng dự báo lạm phát từ mức 2.8% trong năm 2016 lên 5% trong năm 2017. Việc kết thúc trợ cấp nhiên liệu của Chính phủ và đà sụt giảm 11% của đồng Peso so với đồng USD kể từ ngày 08/11/2016 đã gây áp lực lên giá hàng hóa.

Trong khi đó, Anh tăng thêm 2 bậc trong bảng xếp hạng sau sự kiện Brexit. Cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã khiến đồng bảng Anh (GBP) xuống đáy 30 năm, qua đó gia tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa và cả lạm phát. Tốc độ tăng giá đã trở nên ảm đạm ở Anh kể từ khi giá dầu trượt dốc vào cuối năm 2014.

Chuyển biến tích cực

Trong khi đó, các quốc gia trở nên ít khốn khổ hơn có thể kể đến như Na Uy, Peru và ngay cả Trung Quốc.

Các tai ương kinh tế ở Na Uy có thể ít nhất là làm giảm giá tiêu dùng trong năm nay, qua đó đem lại cơ hội cải thiện thành quả năm 2016 và trở nên ít khốn khổ hơn với việc giảm tới 18 bậc trong bảng xếp hạng. Các chuyên gia kinh tế nhận thấy chi tiêu cho dầu đã giảm sút trong năm 2017 trong khi tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 4.8%.

Peru cũng giảm tới 13 bậc và hướng tới một quốc gia hạnh phúc hơn trong năm nay. Đây là một thông tin tốt nhưng lại xuất phát từ các lý do xấu: Peru đã trở nên tồi tệ hơn dự báo trong năm 2016 khi tình trạng hạn hán làm gia tăng giá thực phẩm và nhu cầu nội địa ảm đạm gây áp lực lên thị trường việc làm. Các chuyên gia kinh tế dường như nhất trí với Ngân hàng Trung ương Peru rằng họ nhận thấy sự cải thiện trong hoạt động đầu tư cũng như thương mại trong tương lai.

Các quốc gia cải thiện nhiều nhất trong bảng xếp hạng trong năm nay là Hồng Kông, Đài Loan, Hà Lan, Trung Quốc, Ecuador và Nga. Được biết, mỗi quốc gia trong số này giảm ít nhất là 9 bậc trong bảng xếp hạng. Triển vọng lạc quan hơn ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, là một yếu tố tác động tích cực đến triển vọng toàn cầu. Mỹ vẫn nằm trong số 20 quốc gia có mức độ khốn khổ thấp nhất với hạng thứ 49.