Campuchia: Đô la hóa cao hạn chế khả năng chống lạm phát của NHTW

Campuchia: Đô la hóa cao hạn chế khả năng chống lạm phát của NHTW

15 năm bình ổn giá đã mang lại cho Campuchia nhiều lợi ích, nhưng với tình trạng đô la hóa cao của nền kinh tế ngày càng mở rộng sẽ tạo ra những mối nguy đối với nền kinh tế nước này cũng như mọi chi phí sẽ trở nên đắt đỏ hơn, Khmer Times đưa tin.

Trước đây, tại Hội nghị Kinh tế vĩ mô thường niên lần hai của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), Phó Thống đốc Chanthana từng phát biểu: “Tình trạng đô la hóa ẩn chứa nhiều rủi ro khi lĩnh vực kinh tế và tài chính có những bước tiến triển đáng kể”. Một lần nữa, chủ đề đô la hóa lại được Giám đốc Bộ phận Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Kinh tế của NBC, ông Khou Vouthy nhắc đến. Ông Khou Vouthy được biết đến nhiều tại NBC bởi thông điệp “Bình ổn giá là quan trọng hàng đầu” của ông.

Theo ông Khou Vouthy, Campuchia đã gặt hái được nhiều lợi ích từ 15 năm bình ổn giá, với tỷ lệ lạm phát nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được - thường dưới mức 5%. Ông Vouthy nhấn mạnh, lạm phát cao hay giảm phát đều có thể gây hại đến nền kinh tế. Theo ông, lạm phát sẽ hạn chế mức độ tiêu dùng trong khi giảm phát lại khiến nhà sản xuất kìm hãm sản xuất hoặc thực hiện đầu tư.

Tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Campuchia làm hạn chế hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ cũng như khả năng thực hiện chính sách tiền tệ của NBC trong vai trò giữ bình ổn giá của ngân hàng. Trong khi đó, việc tăng hay giảm nguồn cung đồng riel lại ít gây ảnh hưởng tại nền kinh tế, trong đó 80% khoản tiền gửi trong lĩnh vực ngân hàng đều bằng đồng USD.

Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế này, NBC đã kiểm soát được việc duy trì bình ổn giá theo 2 phương thức: Đảm bảo tỷ giá USD/KHR bình ổn và nâng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại khi giá tăng quá nhanh và hạ dự trữ này khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại. Yêu cầu dự trữ bắt buộc là tỷ lệ % các khoản tiền gửi ở các ngân hàng và các tổ chức tài chính vi mô được trích ra để gửi tại NBC. Việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ hạn chế sự lưu thông tiền tệ, qua đó giúp ngăn chặn xu hướng tăng giá.

Ông Vouthy lý giải thêm, việc bình ổn giá đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế do biến động giá sẽ gây ra tình trạng bất ổn và làm giảm động lực chi tiêu hay đầu tư.

Campuchia cũng đã hưởng được những lợi ích từ một nền kinh tế đô la hóa cao do đồng tiền của Mỹ ổn định và nước này có tỷ lệ lạm phát thường ở mức thấp đồng thời là một trong những đối tác thương mại chính của Campuchia. Đến nay, tuy tình trạng đô la hóa chưa đến mức gây trở ngại chính đối với xu hướng tăng trưởng kinh tế của Campuchia nhưng ông Vouthy cảnh báo, nếu trình trạng này tiếp tục mở rộng sẽ khiến chi phí trở nên đắt đỏ hơn đồng thời kéo theo những mối nguy lớn dần tại Vương quốc này.

Việc thúc đẩy sử dụng đồng riel rất quan trọng cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và đạt được sự phát triển toàn diện, ông Vouthy nhấn mạnh.

Khi riel trở thành đồng tiền chính lưu thông trong nền kinh tế, NBC có thể tự đối phó với tình trạng biến động giá một cách hiệu quả thông qua việc bơm thêm hay giảm bớt thanh khoản. Bên cạnh đó, NBC cũng có thể điều khiển tỷ giá ngoại hối theo hướng có lợi cho nền kinh tế quốc gia./.