ĐHĐCĐ NTB: Khoảng trống trong hoạt động kéo dài đến khi nào?

ĐHĐCĐ NTB: Khoảng trống trong hoạt động kéo dài đến khi nào?

“Hoạt động kinh doanh trong những năm qua hầu như bị đình trệ, không có nguồn thu; các dự án không thể triển khai dẫn đến khách hàng khiếu nại, tố cáo tập thể, khởi kiện kéo dài; UBND Thành phố đã chỉ đạo hành thanh tra, giám sát toàn diện các dự án và không cho phát triển dự án mới; bên cạnh đó các cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh nghiệm của Công ty cũng xin nghỉ, để lại một khoảng trống trong công tác nhân sự khiến cho việc xử lý các công việc cũ đã khó càng thêm khó”.

Đó là những lời chia sẻ của Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (UPCoM: NTB) với các cổ đông nhỏ lẻ khi ĐHĐCĐ thường niên lần 1 năm 2017 không thể diễn ra do số lượng tham dự chiếm chưa tới 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ông Đỗ Biên Thùy - Tổng Giám đốc NTB cho biết trong nhiệm kỳ 2012-2017, Hội đồng quản trị không hoàn thành Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2012 chủ yếu do định hướng đầu tư cũng như lựa chọn chiến lược kinh doanh của HĐQT và bộ máy quản lý trong các nhiệm kỳ trước không chính xác, dẫn đến hệ lụy quá lớn và kéo dài khiến Công ty không thể vực dậy trong nhiều năm.

NTB đã trực tiếp đầu tư và hợp tác đầu tư dàn trải quá nhiều dự án với tổng mức đầu tư gấp nhiều lần vốn, đặc biệt là giai đoạn 2011-2012 khi chính sách thắt chặt tín dụng tiền tệ có hiệu lực, lĩnh vực bất động sản không còn được vay vốn dẫn đến thị trường bị đóng băng, đi cùng với nhu cầu nhà ở sụt giảm khiến Công ty rơi vào khủng hoảng do không có những đối sách kịp thời và chính xác để ứng phó.

Hàng loạt dự án đình trệ, sa lầy

Trước đó, NTB vướng phải nhiều đợt tố cáo, khởi kiện kéo dài của khách hàng do các dự án liên doanh với Công ty Lilama SHB từ năm 2009, bao gồm dự án Trịnh Đình Trọng và dự án phường 6 Gò Vấp bị đình trệ, giao nhà không đúng kế hoạch cho khách hàng. Do vậy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án của NTB, đồng thời quyết định tạm ngưng giải quyết các dự án phát triển đô thị mới cho đến khi giải quyết xong các tồn tại của các dự án cũ. Công ty cho biết hiện đang khởi kiện Lilama SHB tại Tòa án nhân dân quận Gò Vấp để thu hồi tài sản và số tiền Lilama SHB đã thu của khách hàng.

Với dự án Tân Kiên, nhằm giải quyết số căn hộ tồn kho, ngày 26/08/2011 NTB và CTCP Đầu tư Y tế Việt Nam đã ký kết biên bản thỏa thuận để chuyển đổi công năng dự án thành bệnh viện, tuy nhiên mới chỉ thực hiện được một phần mà không được triển khai tiếp. Dự án bị sa lầy, phải tạm dừng từ năm 2011 và đến nay vẫn còn hơn 300 khách hàng bị mắc kẹt. Hiện các bên NTB - Ngân hàng BIDV - Công ty Đầu tư Y tế Việt Nam vẫn chưa có phương án giải quyết.

Còn hai dự án hợp tác Phú Sơn Thuận và Hưng Điền, tuy được thế chấp bằng tài sản của đối tác nhưng nợ vay ngân hàng và lãi phát sinh từ các khoản đầu tư này quá lớn, kéo dài đã hình thành các khoản nợ xấu quá hạn, khiến Công ty không còn đủ điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn vay thực hiện dự án khác. NTB cũng đang khởi kiện CTCP Đầu tư Tấn Hưng tại Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh để thu hồi số tiền góp vốn dư 140 tỷ đồng tại dự án Hưng Điền và đàm phán với Công ty Phú Sơn Thuận để xử lý phần vốn góp tại dự án này.

Kết quả kinh doanh bê bết

Năm 2016 đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp thua lỗ của NTB với mức lỗ gần 400 tỷ đồng, nâng lãi sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2016 âm tới 1,226 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu âm 670 tỷ đồng.

Tính riêng quý 4/2016, Công ty không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ nhưng lại bị giảm trừ doanh thu nên doanh thu thuần ghi âm gần 13 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí NTB lỗ ròng 71 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 190 tỷ đồng.

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2009-2016

Tính đến thời điểm 31/12/2016, vay nợ tài chính ngắn hạn của Công ty vẫn ở mức cao với 2,163 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ phải trả và không có vay nợ dài hạn. Trong đó, vay tại ngân hàng gồm Sacombank (1,300 tỷ), BIDV (88 tỷ), PVComBank (37 tỷ) và Agribank (515 tỷ). Ngoài ra còn nợ 222 tỷ từ 12 cá nhân và 4 công ty khác.

Cổ phiếu NTB bị hủy niêm yết từ tháng 7/2013 do đơn vị kiểm toán cho biết không thể đưa ra ý kiến nhận xét về báo cáo tài chính 2012 của NTB cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2012. Đồng thời đơn vị kiểm toán cũng đưa ra hàng loạt hạn chế về vi phạm kiểm toán và xử lý kế toán.

Chia sẻ với các cổ đông, Ban lãnh đạo Công cho biết cũng không tìm được công việc mới, không tạo được nguồn thu mà hầu như chỉ vay mượn để có chi phí duy trì bộ máy làm việc.

Hàng tồn kho hiện chỉ còn 6.7 tỷ đồng. Các khoản phải thu vẫn duy trì tại mức 712 tỷ trong đó chủ yếu trả trước cho người bán ngắn hạn.

Về phương hướng nhiệm kỳ 2017-2022, trước mắt Công ty sẽ giải quyết bằng biện pháp kiện tòa để thu hồi vốn đang bị đối tác chiếm giữ. Cụ thể, thu hồi 140 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư Tấn Hưng, hơn 37 tỷ đồng từ Công ty TNHH Xây dựng TM Địa ốc Lê Đạt. Đồng thời tạm ứng lợi nhuận góp vốn Hợp tác đầu tư Dự án Tổ hợp Cao ốc Xi – Grant – Court với Công ty Phú Sơn Thuận, dự kiến NTB có thể ứng trước lợi nhuận vào quý 2/2017 hơn 19 tỷ đồng./.