ĐHĐCĐ POT: Chưa thể trình phương án tăng vốn do chờ Bộ Thông tin và Truyền thông

ĐHĐCĐ POT: Chưa thể trình phương án tăng vốn do chờ Bộ Thông tin và Truyền thông

Sáng ngày 09/03, CTCP Thiết Bị Bưu Điện (HNX: POT) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017. Trong đó, một vấn đề khá quan trọng là phương án tăng vốn điều lệ lên 388.6 tỷ đồng để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh đã không được trình bày để thông qua do phải chờ ý kiến chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông.

ĐHĐCĐ thường niên 2017 của POT sáng ngày 09/03

Năm 2017 kế hoạch lãi trước thuế 35.2 tỷ, cổ tức 10%

Tại Đại hội, cổ đông đã thông qua mục tiêu doanh thu 1,400 tỷ đồng, tăng 9.6% so với thực hiện năm 2016; lợi nhuân trước thuế 35.2 tỷ đồng, tăng 10% và mức cổ tức dự kiến 10%.

Nhìn lại năm 2016, doanh thu Công ty ghi nhận 1,277 tỷ đồng, vượt 11.1% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế gần 32 tỷ đồng và vượt 6.5% kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt hơn 28 tỷ đồng, công ty con FDE 5.5 tỷ đồng và công ty con POSTEF Ba Đình 0.4 tỷ đồng.

Theo ông Trần Hải Vân, Chủ tịch HĐQT, trong năm 2016 Công ty đã tiếp tục bám sát chủ trương tái cơ cấu, chỉ đạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cụ thể hóa tái cơ cấu theo từng giai đoạn, thường xuyên trao đổi, phối hợp đối với các doanh nghiệp trong nhóm sản xuất cáp.

Cũng trong năm 2016 Công ty đã dành nguồn lực để đẩy mạnh từng bước thay đổi công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển trong năm và các năm tiếp theo, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh các đơn vị thuộc Tổ hợp công nghiệp POSTEF tại VSIP Bắc Ninh. Tiếp tục phối hợp, trao đổi với đối tác trong quá trình triển khai dự án đầu tư XDCB tại số 61 Trần Phú - Ba Đình - Hà Nội và số 63 Nguyễn Huy Tưởng - Thanh Xuân - Hà Nội. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng Công trình đa chức năng POSTEF tại 63 Nguyễn Huy Tưởng - Thanh Xuân - Hà Nội đã được UBND Thành phố Hà Nội đồng ý về nguyên tắc và đang xin ý kiến Sở QHKT về tổng mặt bằng và phương án kiến trúc.

Nói thêm về việc chấp thuận sẽ chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp đa chức năng tại số 63 Nguyễn Huy Tưởng- Thanh Xuân- Hà Nội do POT làm chủ đầu tư cho nhà đầu tư khác, ông Vân cho biết,  kinh doanh bất động sản không phải là mảng hoạt động kinh doanh chính và mục tiêu năm 2017 của Công ty là tập trung sản xuất kinh doanh cốt lõi và phụ thuộc vào chính sách hoạch định của VNPT.

Về kế hoạch đầu tư, năm 2017 sẽ tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang tại VSIP Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 287.1 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư xây dựng Nhà làm việc của chi nhánh miền Nam tại 25A Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM. Dự trù kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng với mục tiêu chủ yếu là mở rộng mặt bằng hoạt động kinh doanh và quản lý chi nhánh miền Nam, thời gian triển khai 2017-2018.

Ngoài ra, POT sẽ triển khai đầu tư bổ sung thiết bị cơ khí, khuôn mẫu tại nhà máy 2- Tổ hợp công nghiệp POSTEF tại VSIP Bắc Ninh với kinh phí dự trù 7.5 tỷ đồng; mua máy ép nhựa 2.5 tỷ đồng, đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp Atena cho trạm BTS viễn thông 10 tỷ đồng; đầu tư nâng cao dây chuyền sản xuất lắp ráp splitter và fast connector 2 tỷ đồng; đầu tư thay thế thiết bị kiểm tra điều kiện môi trường 2 tỷ đồng; đầu tư mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng, bảo hành, sản phẩm và nhu cầu đi lại của CBNV công ty 2.5 tỷ đồng; tháo dỡ, di dời, vận chuyển, gia công và lắp đăt nhà xưởng 01 từ Tổ hợp công nghiệp POSTEF tại VSIP Bắc Ninh vào chi nhánh của công ty - Nhà máy số 5 - KCN Liên Chiểu - Đà Nẵng 3 tỷ đồng. Cuối cùng là duy tu, sửa chữa, bổ sung và nâng cấp các máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển tại các nhà máy, chi nhánh, công ty PDE 7 tỷ đồng.

Chưa thể trình phương án tăng vốn

Bà Ma Thị Nghiệm, Trưởng Ban kiểm soát của POT cho biết, năm 2017 ngoài việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty dự kiến tiến hành thực hiện việc giải ngân để triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang. Số vốn dự toán của dự án hơn 287.1 tỷ đồng chưa bao gồm chi phí chuyển giao công nghệ đã lớn hơn vốn chủ sở hữu thời điểm hiện tại (276 tỷ đồng). Do đó, theo bà Nghiệm, việc tăng vốn điều lệ năm 2017 là cấp thiết cho nhu cầu về nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nói chung và đầu tư dự án nói riêng.

Ban kiểm soát đã kiến nghị với ĐHĐCĐ chấp thuận biểu quyết thông qua phương án tăng vốn để đảm bảo tính khả thi về triển khai dự án và nhằm đủ nguồn tài chính từ vốn chủ sở hữu đáp ứng cho dự án, cũng như là một trong những cơ sở cần thiết để giải ngân từ nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng ngân hàng. Đồng thời có thể điều chỉnh cân đối cơ cấu nguồn vốn giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay hiện tại của Công ty và giảm mức rủi ro thu nhập khi đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức độ cao. Được biết, qua kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh các năm 2015, 2016, POT đã sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức độ cao như năm 2015 là 77.93% và năm 2016 là 70.14% trên tổng nguồn vốn.

Tuy nhiên tại Đại hội, Hội đồng quản trị đã không đưa vấn đề này ra để ĐHĐCĐ xem xét, thông qua với lý do chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (là cổ đông lớn của POT) mua thêm phần vốn góp tăng thêm khi POT thực hiện phương án tăng vốn.

Được biết, Công ty dự kiến phát hành 19.43 triệu cổ phiếu, giá phát hành 10,000 đồng/cp với tỷ lệ 1:1 và vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành là 388.6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại Đại hội, ĐHĐCĐ đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên BKS đối với bà Phạm Hồng Thúy và bầu ông Vũ Hoàng Công làm thành viên BKS –người được Tập đoàn VNPT giới thiệu./.