Đường sắt Hà Ninh: Thêm một doanh nghiệp Nhà nước lên UPCoM

Đường sắt Hà Ninh: Thêm một doanh nghiệp Nhà nước lên UPCoM

Ngày 16/03/2017 tới đây, hơn 1.5 triệu cổ phiếu của CTCP Đường sắt Hà Ninh (RHN) sẽ chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu tương đương mệnh giá là 10,000 đồng/cp.

CTCP Đường sắt Hà Ninh (RHN) có tiền thân là Xí nghiệp quản lý đường sắt Hà Ninh – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động công ích trực thuộc Liên hiệp đường sắt Việt Nam (nay là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) – được thành lập vào ngày 01/08/1989 trên cơ sở tách ra từ Xí nghiệp Quản lý đường sắt Hà Thanh. Hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải đường sắt, ngoài ra Công ty có thực hiện các hoạt động viễn thông khác cũng như dịch vụ kho bãi hàng hóa, …

Đến ngày 08/01/2016, Công ty được chuyển đổi thành CTCP Đường sắt Hà Ninh với vốn điều lệ hơn 15 tỷ đồng. Trong đó, riêng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nắm giữ đến 51% vốn điều lệ, tương đương 7.7 tỷ đồng, 49% còn lại thuộc về các cổ đông cá nhân khác, hiện tại RHN không có cổ đông nước ngoài.

Kết quả kinh doanh của RHN giai đoạn 2015 – 2017
Đvt: Tỷ đồng

Về hoạt động kinh doanh, 2 năm gần đây doanh thu tăng trưởng trung bình đạt 13%, trong đó chủ yếu vẫn đến từ hoạt động sửa chữa thường xuyên định kỳ kết cấu hạ tầng đường sắt, tương đương tỷ lệ 80% tổng doanh thu trong năm.

Được biết, về kết quả hoạt động trong năm 2016, theo ý kiến kiểm toán ngoại trừ, tại thời điểm 31/12/2016 Công ty chưa trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản công nợ phải thu khó đòi (phải thu khách hàng quá thời hạn) hơn 1 tỷ đồng, theo đó chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ tăng tương ứng kéo lợi nhuận sau thuế được ghi nhận giảm đi. Đồng thời, Công ty có ghi nhận khoản phải thu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiền chênh lệch giá ray P50E4 trị giá hơn 765 triệu đồng, nhưng tại thời điểm phát hành BCTC kiểm toán vẫn chưa nhận được xác nhận thanh toán số tiền trên từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, Công ty hạ thấp chỉ tiêu doanh thu chỉ còn 116 tỷ đồng, tương ứng giảm nhẹ 3% so với thực hiện trong năm 2016. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt tăng trưởng đều đặn, giai đoạn 2015 – 2016, lần lượt đạt 1.4 tỷ và 1.6 tỷ đồng. Trong khi đó, mặc dù kế hoạch doanh thu có phần đi lùi, nhưng lợi nhuận sau thuế RHN dự kiến đạt 1.7 tỷ đồng, nhích nhẹ so với kết quả giai đoạn trước đó.

Kế hoạch cho tương lai, RHN dự kiến đến năm 2020, đầu máy sẽ được định hướng phát triển từ công nghiệp lắp ráp tiến tới chế tạo đầu máy dielse cho các tuyến cũ với công suất từ 2,000 – 2,500 CV và sức kéo điện cho các tuyến mới điện khí hóa với công suất 5,000 kW trở lên. Đồng thời phát triển mạng các đầu tàu tự hành (EMU) với con số cụ thể lên đến 1,100 – 1,200 đầu máy./.

Tài liệu đính kèm:
290-tb_2017-03-09_1449_1.PDF