Lào tiếp tục đối mặt với thâm hụt ngân sách cao

Lào tiếp tục đối mặt với thâm hụt ngân sách cao

Mô tả những thách thức của Lào trong năm nay, Bộ Tài chính nước này cho biết tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước cùng với việc trả nợ dưới hình thức các khoản vay và trái phiếu là những thách thức chính mà Chính phủ phải đối mặt, theo Vientiane Times.

Theo Bộ Tài chính, mức thâm hụt ngân sách Chính phủ Lào thiết lập trong năm nay là 8,461 tỷ kip, bằng 6.52% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, Chính phủ nước này cũng cần thanh toán các khoản vay và những khoản phát hành trái phiếu trong và ngoài nước lên đến 6,591 tỷ kip, theo báo cáo gần đây của Tạp chí Kinh tế  Xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Asaphangthong Siphandone giải thích, Chính phủ sẽ huy động vốn từ  2 nguồn chính để giải quyết các vấn đề trên. Trong đó, để trả các khoản vay trị giá 8,800 tỷ kip, Chính phủ sẽ huy động vốn cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Bộ tài chính cũng dự định phát hành trái phiếu trị giá 3 ngàn tỷ kip để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách.

Được biết, từ đầu năm nay Chính phủ Lào đã nâng lương cho cán bộ công chức và cam kết chi trả các khoản phụ cấp lương và trợ cấp cho thành viên Quốc hội và thành viên Hội đồng Nhân dân Thủ đô Viên Chăng và các tỉnh. Thế nhưng, quyết định này lại tạo thêm những áp lực lớn hơn cho Chính phủ trong việc huy động vốn nhằm đối phó với chi tiêu ngân sách và thúc đẩy Lào phát triển mạnh hơn.

Cuối năm ngoái Quốc hội Lào (NA) đã phê duyệt kế hoạch ngân sách của Chính phủ, trong đó thiết lập mức doanh thu quốc gia là 23,801 tỷ kip trong khi chi ngân sách nhà nước lại nằm ở mức lên đến 32,262 ngàn tỷ kip.

Các nhà kinh tế cho rằng thâm hụt ngân sách thường phổ biến ở các quốc gia kém phát triển như Lào với lý do quốc gia không giáp biển duy nhất tại vùng Đông Nam Á này cần vốn và kinh phí đầu tư quá lớn để duy trì mức tăng trưởng kinh tế từ 7 đến 7.5% trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần đảm bảo là những dự án phát triển trái phép không nên được triển khai do điều này sẽ gây khó khăn cho Chính phủ trong việc kiểm soát nợ của nước mình.

Theo lý thuyết, thâm hụt ngân sách của một quốc gia không nên để vượt cao hơn 5% GDP. Trong ngắn hạn, mức thâm hụt ngân sách như thế có thể chấp nhận được, nhưng về lâu dài điều này sẽ khiến quốc gia đó lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất liên miên.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất cần lưu ý là để thúc đẩy doanh thu quốc gia cần xác định rõ nguồn thu và tạo ra các nguồn thu nhập mới. Theo đó, các nhà kinh tế cũng đề xuất Chính phủ Lào cần nỗ lực hơn trong việc chấm dứt những khe hở luật pháp trong việc thu ngân sách và mạnh tay trừng phạt những quan chức vi phạm phát luật.

Theo Vientiane Time, trong năm 2015 nhiều công ty tại Lào lợi nhuận thua lỗ và từ chối đóng các khoản thuế thu nhập cho Chính phủ. Vấn đề này cần được kiểm tra nghiêm ngặt để xác định sự thật xem các công ty này có thật sự làm ăn thua lỗ hay không.

Lào đã phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách trong 4 hoặc 5 năm qua, do liên quan đến một số yếu tố như giá hàng hóa khoáng sản và giá dầu giảm trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, những lỗ hổng luật pháp trong việc thu ngân sách cũng khiến doanh thu ngân sách sụt giảm và vấn đề này cần được xem xét giải quyết.

Là một trong những quốc gia kém phát triển ở khu vực châu Á, năm 2016 Lào ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 6.9%, GDP đạt 108.709 ngàn tỷ kip (tương đương 13.27 tỷ USD)./.