Tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém

Tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017 số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017, cùng với các Bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được Chính phủ giao chủ trì và phối hợp triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu NHNN theo dõi sát tình hình tiền tệ thế giới và trong nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, trong đó tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, NHNN chủ động xây dựng phương án, kịch bản, lộ trình điều chỉnh giá một cách chặt chẽ theo cơ chế thị trường một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát ở mức không quá 4%.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, NHNN và cơ quan, địa phương liên quan rà soát, đánh giá tổng thể chính sách thương mại biên giới, đề xuất giải pháp bảo vệ thị trường trong nước và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều công việc cụ thể. Trong đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100,000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình tín dụng này.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao NHNN chủ trì hoặc tham việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách:

Đối với dự án Luật quản lý nợ công, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, NHNN và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

Về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất để thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, NHNN, Ngân hàng Chính sách xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay nhà ở xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; Căn cứ khả năng bố trí nguồn ngân sách nhà nước, NHNN và Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất khung lãi suất cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trong các năm 2018, 2019 và 2020; NHNN và Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các Bộ, cơ quan địa phương phối hợp với Bộ Xây dựng (là đơn vị chủ trì) rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP, đề xuất nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định…/.