Tiền vào mạnh nhóm ngân hàng

Chuyển động dòng tiền tuần 13-17/03

Tiền vào mạnh nhóm ngân hàng

Dòng tiền đã có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường trong tuần qua (20-24/03), đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút đáng kể nhất.

Bên cạnh đó, một cột mốc khác khiến nhà đầu tư phải nhớ đến nữa là chỉ số VN-Index chinh phục thành công mốc kháng cự 720 điểm sau nhiều lần thử nhưng thất bại. Và một trong những động lực chính giúp cho thị trường tăng điểm thành công đó là sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi mà dòng tiền ở nhóm này đang tăng đáng kể.

Trái ngược với lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực từ tuần lễ tái cơ cấu của ETFs, thị trường đã ghi nhận một tuần giao dịch đầy bùng nổ. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 198.3 triệu đơn vị/phiên, tăng mạnh 26.77% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 52.2 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 21.65%.

Trên HOSE, cổ phiếu EIB dẫn đầu trong danh sách nhóm ngân hàng về tăng trưởng thanh khoản. Theo đó, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 675,000 cp/phiên, tăng hơn 400% so với tuần giao dịch trước đó. Hay như STB, MBB và BID đều có khối lượng giao dịch tăng hơn 200%.

Dù không ấn tượng như vậy nhưng CTG có khối lượng giao dịch đạt gần 2 triệu đơn vị/phiên, tăng 111% so với tuần trước đó. Thấp nhất là VCB cũng ghi nhận mức tăng trưởng 25% thanh khoản trong tuần qua, đạt hơn 1.4 triệu cp/phiên.

Đối với sàn HNX, hai ông lớn ACB và SHB có khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 6 triệu cp/phiên và 7.6 triệu cp/phiên, tăng trưởng lần lượt 132% và 101%.

Đáng chú ý,nhóm mã ngân hàng tăng trưởng mạnh về dòng tiền ghi nhận tăng giá đáng kể và là yếu tố chính giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 720 điểm trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng mạnh 3.38%, dừng ở 91.37 điểm.

Việc cổ phiếu ngân hàng bất ngờ hút tiền diễn ra trong bối cảnh mà các ngân hàng này đang rục rịch kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 (phần lớn trong tháng 4 tới đây) để thông qua các vấn đề quan trọng như kế hoạch kinh doanh hay vấn đề nhân sự…

Chẳng hạn ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2,205 tỷ đồng, tăng 32% so với con số thực hiện năm 2016. Tổng tài sản, tín dụng và huy động vốn dự kiến đều tăng 16%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.Hay về nhân sự thì EIB thông báo đã có 3 ứng viên dự kiến bổ sung vào HĐQT EIB nhiệm kỳ 2015-2020.

Song, có lẽ đáng chú ý nhất vẫn là STB, kết tuần, cổ phiếu này tăng giá hơn 8% và so với đầu năm thì đã tăng hơn 30%. Liên quan đến STB, báo chí đưa tin một nhóm các nhà đầu tư bao gồm Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Sacombank) đã đề xuất với cơ quan quản lý một kế hoạch đầu tư và tái cơ cấu ngân hàng này. Nhóm đầu tư này mong muốn đầu tư gần 1 tỷ USD, tương đương 20,600 tỷ đồng, tăng thêm vốn chủ sở hữu mới tại Sacombank. Theo đó, tăng vốn điều lệ hiện tại thêm khoảng 109%. Thông tin này lập tức thu hút sự chú ý của giới đầu tư trên thị trường mà bằng chứng là cổ phiếu STB trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Trước đó, giá cổ phiếu STB suy giảm khá mạnh khi mà NHNN đưa ngân hàng vào diện phải thực hiện tái cơ cấu trong năm 2017.

Trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung, diễn biến trong tuần qua làm nhà đầu tư nhớ lại thời kỳ ngân hàng vào sóng và dẫn dắt thị trường bứt phá mạnh lên ngưỡng 640 điểm (vùng đỉnh 8 năm) thời điểm giữa năm 2015.

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất sàn HOSE

 

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất sàn HNX