TTCK Campuchia dường như còn rất xa lạ với giới trẻ

TTCK Campuchia dường như còn rất xa lạ với giới trẻ

Đối với nhiều người trẻ tuổi Campuchia, thị trường chứng khoán hiện nay còn rất xa lạ với họ. Họ thiếu kiến thức về những yếu tố cơ bản cũng như cách vận hành của thị trường chứng khoán và đây chính là những lý do khiến họ tránh tham gia dù biết rằng thị trường này có thể mang lại cho họ cơ hội kiếm tiền nhiều hơn.

Chia sẻ trên Khmer Times, Huot Sochea 25 tuổi, tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh trường Đại học Build Bright tại Phnom Penh và đang quản lý 3 quầy ăn uống di động cho rằng Sở GDCK Campuchia (CSX) cũng chỉ là một tòa nhà văn phòng tại Phnom Penh với một số công ty có đặc quyền trong đó.

Huot Sochea chia sẻ: “Chính phủ chưa phổ biến nhiều về CSX và nhiều bạn bè tôi vẫn không biết về những gì thật sự diễn ra ở đó. Điều duy nhất chúng tôi được biết đến đó là có 4 doanh nghiệp niêm yết”.

Dù tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, nhưng Sochea vẫn hoài nghi về thị trường chứng khoán. Anh chia sẻ: “Các quan chức CSX nên quan tâm phổ biến về thị trường chứng khoán nhiều hơn đến công chúng. Thiếu kiến thức tài chính và đánh giá triển vọng sai chính là yếu tố khiến các doanh nhân trẻ e ngại đầu tư vào thị trường chứng khoán”.

Theo chia sẻ của sinh viên 22 tuổi Sun Bunly ngành tài chính - ngân hàng trường National University of Management: “Để biết về thị trường chứng khoán, chúng ta cần dành thời gian tìm hiểu về nó và sau đó áp dụng kiến thức vào thực tế”.

Bunly cho rằng dù đã từng tham dự những bài giảng về các thị trường tài chính và việc đầu tư trên sàn chứng khoán nhưng anh ta vẫn còn hoài nghi liệu những lý thuyết ấy có thật sự diễn ra trên thực tế hay không trong bối cảnh bất ổn trên toàn cầu.

Bunly chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với CSX nhưng tôi muốn có kỹ năng thực tiễn về cách chơi trên thị trường và kiếm được lợi nhuận. Tôi thích tìm hiểu về thị trường chứng khoán và nghĩ rằng các quan chức CSX có thể làm những điều tốt hơn bằng cách giải thích cơ chế của thị trường cho sinh viên đại học”.

Thế nhưng, về phía nhà điều hành thị trường, Giám đốc Lamun Soleil Bộ phận quản lý các hoạt động thị trường của CSX cho rằng Ủy ban Chứng khoán Campuchia (SECC) và CSX đã tổ chức các buổi chuyên đề tại một số trường đại học ở Phnom Penh như Norton University, Zaman University, Cam Ed và Viện Kinh tế - Tài chính.

Ông Soleil nói thêm: “SECC và CSX cũng đã tổ chức các buổi hội thảo và chuyên đề cho sinh viên và doanh nhân trẻ tại các tỉnh Kampong Cham, Prey Veng, Battambang và Banteay Meanchey. Việc am hiểu về thị trường chứng khoán không phải diễn ra một sớm một chiều mà theo kinh nghiệm của chúng tôi từ Thái Lan, điều đó phải mất hàng chục năm để xây dựng nhận thức của công chúng. Việc nhanh hay chậm tùy thuộc vào tình hình phát triển của thị trường”.

Ông Soleil cũng đồng ý rằng kiến thức chính là sức mạnh khi được áp dụng vào thị trường chứng khoán và theo ông việc dành ít thời gian tìm hiều về lịch sử và tâm lý thị trường sẽ không mang lại lợi ích gì cả.

Ông Soleil cũng chỉ ra rằng, vào thời điểm này dường như CSX không hấp dẫn do lợi nhuận thấp của các doanh nghiệp niêm yết. Ông nói: “Nếu như thị trường chứng khoán có thể đem lại lợi nhuận cao như bất động sản và các lĩnh vực khác, có lẽ công chúng sẽ tự động tập trung đến CSX”.

Kể từ khi chính thức ra đời vào năm 2012 đến nay, CSX chỉ mới có 4 doanh nghiêp niêm yết, gồm Công ty Cấp thoát nước Phnom Penh (PPSWA) niêm yết năm 2012, Công ty May mặc Grand Twins International (GTI) của Đài Loan niêm yết năm 2014, Công ty Cảng Phnom Penh (PPAP) lên sàn trong năm 2015 và Đặc khu Kinh tế Phnom Penh (PPSP) chính thức chào sàn hồi tháng 5/2016.

Vào giữa năm 2015, trong một động thái nhằm thu hút nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, Chính phủ đã giới thiệu một sàn niêm yết mới mang trên “Growth Board”. Sàn mới này được xem như một lựa chọn khác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) muốn niêm yết. Thế nhưng, đến nay sàn Growth Board vẫn chưa có doanh nghiêp nào niêm yết dù rằng các ưu đãi đã được Chính phủ ban hành để áp dụng cho họ.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Aun Pornmoniroth từng cho biết, để khuyến khích nhiều SME niêm yết trên sàn chứng khoán, Chính phủ đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho các công ty lên sàn trước năm 2018, họ sẽ được giảm 50% thuế thu nhập trong 5 năm và hoãn đóng thuế thu nhập hàng tháng.

Ông Pornmoniroth cho biết: “Việc niêm yết trên CSX sẽ giúp các công ty có thể có thêm vốn hoạt động về dài hạn cũng như đẩy mạnh thương hiệu của họ để xây dựng niềm tin đối với các cổ đông có liên quan như khách hàng, nhà cung cấp và các ngân hàng”.

Riêng với Sochea, anh ta tỏ ra háo hức và quan tâm đến thị trường tài chính nhiều hơn khi biết đến sàn Growth Board cũng như cơ hội cho các SME lên sàn. Sochea cũng hy vọng công việc làm ăn của mình sẽ sớm phát triển đủ mạnh để có thể niêm yết trên sàn mới này./.