Vì sao quyết định nâng lãi suất vừa qua của Fed là... dở?

Vì sao quyết định nâng lãi suất vừa qua của Fed là... dở?

Đối với hầu hết mọi người, quyết định nâng lãi suất hôm thứ Tư vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lần thứ 3 kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu, là một kết quả đã được biết trước. Trước khi công bố này được đưa ra, các thị trường đã thấy khả năng nâng lãi suất là hơn  95%, sau khi nhiều quan chức của Fed ngụ ý trong những bài phát biểu trước công chúng rằng nền kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho các mức lãi suất cao hơn, Washingtonpost đưa tin.

* Đáp lại kỳ vọng của thị trường, Fed nâng lãi suất lần đầu trong năm 2017 

Tuy nhiên, không phải tất cả các quan chức của Fed đều cảm thấy như vậy. Thông cáo báo chí của cơ quan này tiết lộ rằng một nhân vật trong Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) gồm 10 thành viên của Fed đã không đồng ý với quyết định này. Vào sáng thứ Sáu vừa qua, trong một phát biểu của mình, Neel Kashkari,  Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực Minneapolis, giải thích vì sao những lo ngại dai dẳng của ông với nền kinh tế Mỹ đã thuyết phục ông bỏ phiếu hoãn lại lần tăng lãi suất này.

Ở Mỹ, ngân hàng trung ương có nhiệm vụ phải đạt được 2 mục tiêu - giữ cho lạm phát gần với mức mục tiêu, mà hiện tại là 2%, và làm cho nền kinh tế ở tình trạng “việc làm đầy đủ”, nghĩa là hầu như ai muốn có việc làm thì cũng tìm được. Kashkari, người từng chạy đua vào vị trí Thống đốc bang California và giúp Bộ Tài chính quản lý các gói giải cứu cho các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính, cho rằng nước Mỹ dường như vẫn chưa đáp ứng được 1 trong 2 mục tiêu trên.

“Dữ liệu chủ chốt mà tôi đang xem xét để đánh giá chúng tôi đang gần với việc đáp ứng 2 mục tiêu được ủy thác như thế nào đã không thay đổi nhiều so với lần họp trước đây của chúng tôi”, thời điểm mà Fed thống nhất giữ nguyên lãi suất, Kashkari viết. “Chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát, và thị trường việc làm đang tiếp tục mạnh lên, cho thấy rằng sự ì ạch vẫn còn”.

Lạm phát đã tăng kể từ cuộc họp lần trước của Fed vào ngày 31/01-01/02 đến nay, như biểu đồ bên dưới cho thấy, nhưng đó hầu như hoàn toàn là do sự hồi phục của giá dầu cực thấp trước đây – các khuynh hướng có thể biến mất một cách dễ dàng giống như khi chúng xuất hiện.

Dữ liệu việc làm cũng cho thấy kinh tế Mỹ có thể vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi cần mức lãi suất cao hơn, Kashkari nói. Khi vẫn có sự ì ạch trong thị trường lao động, dưới hình thức người đi làm không có được công việc lý tưởng, thì chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng và thuê nhân viên mới. Nhưng khi tất cả những tài nguyên kinh tế đó được dùng hết thì lãi suất thấp hơn sẽ chuyển thành lạm phát.

Một trong những điều ngạc nhiên lớn trong suốt 18 tháng qua là thị trường việc làm tiếp tục rất mạnh, Kashkari viết. Dữ liệu chính thức cho thấy Mỹ đã có thêm 235,000 việc làm trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức cần thiết để bắt kịp với đà tăng trưởng dân số.

Biểu đồ dưới đây cho thấy, những chỉ báo việc làm khác vẫn ở mức thấp hơn so với trước cuộc suy thoái, và có thể có khả năng tăng thêm.

Các chuyên gia kinh tế hiện có quan điểm khác nhau về những điểm này. Quyết định của Fed phải cần thời gian để “kiểm chứng” với nền kinh tế, và một số người cảm thấy rằng thời điểm thích hợp để ngân hàng trung ương này ngăn chặn lạm phát đã qua. Họ lo lắng rằng việc giữ lãi suất ở mức thấp có thể làm cho các bong bóng tài sản nguy hiểm phình lên – chẳng hạn như giá nhà quá cao đã gây nên cuộc Đại suy thoái – hay Fed có thể tụt lại đằng sau một cách nguy hiểm trong nhiệm vụ chống lạm phát của mình.

“Họ sẽ phải bắt đầu nâng lãi suất. Hiện thị trường lao động trên cả nước trông có vẻ thật sự thắt chặt”, Steve Rick, chuyên gia kinh tế trưởng tại CUNA Mutual Group, nói.

“Fed có thể đang làm một việc rất quan trọng mà không thể thay đổi được sau này, từ việc đi từ một nền kinh tế ì ạch đến tăng trưởng quá nóng nếu họ không bắt đầu tăng lãi suất bây giờ. Lạm phát có thể sẽ đến nhanh hơn một chút so với chúng ta nghĩ với các điều kiện thắt chặt trên thị trường lao động”, Rick nói.

Tuy nhiên, những người khác tỏ ra không đồng ý. Trong một bài viết hôm thứ Tư của mình, Josh Bivens, chuyên gia của Viện Chính sách Kinh tế, đã gọi quyết định của Fed là “đáng thất vọng” nhưng “không đáng ngạc nhiên”.

“Quyết định tăng lãi suất hôm nay dường như báo hiệu rằng các nhà làm chính sách của Fed nghĩ chúng ta hiện đang ở mức, hoặc rất gần mức, tình trạng ‘việc làm đầy đủ’ và nếu không làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới thì sẽ sớm dẫn tới việc lương và lạm phát giá tăng tốc. Dĩ nhiên họ có thể đúng nhưng quan trọng là phải lưu ý rằng có ít dữ liệu kinh tế thật sự cho thấy điều này”, Bivens viết.

Một rủi ro trong việc hoãn tăng lãi suất là điều đó có thể bắt buộc Fed sau này phải tăng nhanh hơn để bù lại cho lạm phát, một hình thức thay đổi nhanh mà một số chuyên gia kinh tế tin rằng có thể gây bất ổn cho nền kinh tế. Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen đã nhiều lần đề cập đến điều này như là một rủi ro mà Fed muốn tránh.

Tuy vậy, Kashkari và những người khác cho rằng nguy hiểm không nằm ở việc phải tăng lãi suất nhanh – mà là đang được đặt trong một tình huống mà lãi suất cao hơn mức những người đứng đầu ngân hàng trung ương mong muốn.

Ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất tương đối dễ dàng. Nhưng với lãi suất hiện tại rất gần với mức zero, thì không có nhiều cơ hội để cắt giảm lãi suất thêm nữa nhằm kích thích nền kinh tế - và đó có lẽ là một dấu hiệu đáng lo ngại trong môi trường toàn cầu, nơi mà giảm phát vẫn dường như đang che khuất lạm phát để trở thành một rủi ro lớn nhất./.