Chỉ cần giá nguyên liệu bình quân tăng 10%, BMP sẽ mất 240 tỷ lợi nhuận

Chỉ cần giá nguyên liệu bình quân tăng 10%, BMP sẽ mất 240 tỷ lợi nhuận

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 diễn ra vào sáng ngày 18/4/2017, CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) cho biết sẽ chi trả cổ tức 2016 lên tới 120% bao gồm cổ tức tiền mặt và cổ phiếu thưởng. Bên cạnh đó, bài toán về giá nguyên vật liệu tăng sẽ tiếp tục gây khó cho BMP để tìm lời giải trong năm nay.

Tổng cổ tức 2016 sẽ lên tới 120%

Tại đại hội, các cổ đông của BMP đã thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt tương đương 40% vốn điều lệ, với tổng số tiền chi ra sẽ lên tới 182 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BMP cũng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 80% vốn điều lệ tương đương giá trị gần 364 tỷ đồng được trích từ quỹ đầu tư phát triển. Như vậy, người sở hữu cổ phiếu BMP sẽ nhận được tổng cổ tức lên tới 120%, bao gồm tiền mặt và cổ phiếu thưởng.

Ngoài ra, với việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của BMP cũng sẽ được nâng lên từ 455 tỷ đồng lên tới 819 tỷ đồng. HĐQT cho biết ngay sau ĐHĐCĐ, HĐQT sẽ họp lại và ngay trong tháng 6, các cổ đông của công ty sẽ có cổ tức bằng tiền mặt. Đối với việc chia cổ phiếu thưởng, HĐQT sẽ thực hiện việc thuê đơn vị tư vấn trong tháng 5 và chốt danh sách thực hiện quyền trong tháng 6.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của BMP diễn ra vào sáng ngày 18/4/2017

Để có thể chi trả khoản cổ tức lớn như vậy cho các cổ đông, không thể không nhắc tới thành quả mà công ty thu về trong năm qua, với khoản lợi nhuận đạt mốc cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Tổng doanh thu trong năm 2016 của BMP là 3,678 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế là 784 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế là 627 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015.

Theo thông tin từ HĐQT, hiện nay BMP đang có 4 nhà máy sản xuất tại TPHCM, Bình Dương, Long An, Hưng Yên, với 1,500 cửa hàng rộng khắp cả nước. Bên cạnh đó, vào tháng 4 năm 2016 công ty tiếp tục cải tiến kỹ thuật tự động băng chuyền nhằm nâng cao năng suất lắp ráp phụ kiện tại các nhà máy, tăng hơn 50% sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, vào tháng 9/2016, công ty đã hoàn tất dự án đầu tư thiết bị tăng 50% công suất sản xuất phụ tùng ống tại nhà máy Bình Minh Long An. Đồng thời đến tháng 12/2016 hoàn tất xây dựng mở rộng trên 13,000 m2 kho, góp phần tăng diện tích lưu trữ, không để tình trạng thiếu hàng để bán như năm 2015.

Bài toán khó về giá nguyên vật liệu

Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2017, BMP đề ra kế hoạch doanh thu là 4,050 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế là 700 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2016. Bên cạnh đó, công ty có kế hoạch đầu tư 680 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu là 20%.

Thế nhưng, HĐQT cho biết ở tình hình hiện tại công ty vẫn đang gặp một số khó khăn nhất định khi giá nguyên vật liệu đầu vào đang tăng mạnh. Cụ thể, so với giá bình quân 2016, giá nguyên vật liệu tăng 13%, và so với vùng kỳ năm trước, giá nguyên vật liệu trong quý 1 đã tăng 27%. Chính vì vậy, dù doanh thu quý 1 của công ty tăng trưởng 14% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận chỉ bằng 55% so với quý 1/2016.

“Nếu giá nguyên vật liệu bình quân năm 2017 tăng 10% thì BMP sẽ mất 240 tỷ đồng lợi nhuận do chênh lệch giá nguyên liệu”, Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc BMP chia sẻ.

Mặc dù giá nguyên vật liệu tăng như vậy nhưng HĐQT cho biết đến thời điểm này BMP vẫn chưa có ý định tăng giá bán, nhưng nếu chi phí nguyên vật liệu tăng trên 10% thì sẽ có những phản ứng phù hợp. HĐQT cũng cho biết ở thời điểm hiện tại, hệ thống phân phối của công ty vẫn đang đóng góp 90% doanh thu của BMP và 10% còn lại đến từ các công trình dự án mà công ty đấu thầu được.

Cũng tại đại hội, các cổ đông của công ty đã thông qua việc hủy bỏ quyết định sáp nhập CTCP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC) vào BMP theo phương án sáp nhập thông qua hoán đổi cổ phần. Bên cạnh đó, đại hội đã ủy quyền cho HĐQT và Ban điều hành xác định hình thức hợp tác mới phù hợp và tổ chức thực hiện. Tại đại hội, đã có cổ đông đề nghị HĐQT nếu thấy việc sáp nhập gặp nhiều khó khăn thì BMP có thể mua thêm cổ phần tại DPC để nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại đây lên 51% và nắm quyền chi phối công ty này. HĐQT cho biết đây là một trong những giải pháp và Ban lãnh đạo sẽ xem xét về vấn đề này. Được biết, BMP đang nắm giữ gần 30% vốn tại DPC.

Một vấn đề cũng được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm là việc SCIC đã có công bố chính thức về việc bán vốn tại BMP trong năm 2017, tuy nhiên theo bà Đặng Thị Thu Hà – Thành viên HĐQT – đại điện phần vốn SCIC tại công ty cho biết mặc dù đã công bố về việc bán vốn tại BMP, tuy nhiên thời điểm bán vẫn còn đang thống nhất với Ban lãnh đạo BMP để đem lại hiệu quả cao nhất và đúng quy trình của pháp luật.  

Ngoài ra, đại hội cũng đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Bên cạnh đó, theo đề nghị của một nhóm cổ đông, HĐQT BMP cũng đã đề nghị đại hội thông qua việc phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động với tỷ lệ 2%. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được đại hội thông qua. Thay vào đó, các cổ đông của công ty đã thông qua việc trích quỹ khen thưởng đặc biệt bằng tiền cho người lao động và HĐQT, BKS nhân dịp 40 năm thành lập công ty và kết quả kinh doanh 2016 vượt so với kế hoạch đề ra. Giá trị trích thưởng là 2 tháng lương bình quân năm 2016 tương đương 36.5 tỷ đồng./.