“Chuyển giao bắt buộc” thay cho “mua bắt buộc 0 đồng”

“Chuyển giao bắt buộc” thay cho “mua bắt buộc 0 đồng”

Nếu không am hiểu tường tận về các thuật ngữ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sử dụng, có lẽ đa số người đọc đã có một phen ngơ ngác và nghĩ rằng NHNN sẽ chấm dứt biện pháp mua bắt buộc, đồng nghĩa với khả năng cho ngân hàng phá sản đã rất gần kề.

* Từ nay, không mua bắt buộc 0 đồng với ngân hàng yếu kém

Ngân hàng Xây dựng là một trong ba ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng. Ảnh: T.L

Trang web chinhphu.vn trích nội dung tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4-2017: “Về biện pháp chuyển giao bắt buộc, từ nay, Nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng. Đối với trường hợp các TCTD được kiểm soát đặc biệt sau khi đã thực hiện phương án phục hồi mà không thể phục hồi, thì sẽ ưu tiên phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, cho TCTD có năng lực tài chính tốt. Chính phủ quyết định việc chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trường hợp không chuyển giao được mà không thể phá sản thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động”.

“Chuyển giao bắt buộc” là phương án gì?

“Chuyển giao bắt buộc” là khái niệm khá mới, có lẽ chỉ mới được nói nhiều trong cuộc họp Chính phủ kỳ tháng 4-2017. Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu (dự thảo luật) mà NHNN đang lấy ý kiến hoàn toàn không có khái niệm “chuyển giao bắt buộc”. Thay vào đó là khái niệm “mua bắt buộc” hay “mua 0 đồng”.

Dự thảo luật này giải thích: “Phương án mua bắt buộc” là phương án NHNN Việt Nam hoặc TCTD được chỉ định tham gia, góp vốn mua cổ phần bắt buộc của TCTD yếu kém. Nội dung mua bắt buộc bao gồm các nội dung tối thiểu sau đây: a) Chủ thể mua; b) Giá mua 0 đồng.

Theo đó, giá mua được quy định rõ là 0 đồng bởi một trong những điều kiện để áp dụng biện pháp mua bắt buộc là “Giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng”. Giá trị đang âm thì không thể mua với mức giá dương (dù chỉ là tượng trưng một đồng), cũng không thể mua với mức giá âm vì không thể hạch toán kế toán. Như vậy, dự thảo luật đã nêu rõ: Mua bắt buộc TCTD thực chất là mua với giá 0 đồng.

Vậy còn “chuyển giao bắt buộc” cần được hiểu như thế nào? Theo NHNN, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho TCTD được chỉ định hoặc NHNN. Đây là biện pháp áp dụng cho TCTD có thực trạng yếu kém nhất, điều kiện, quy trình, thẩm quyền cũng được quy định chặt chẽ nhất.

Trong phương án chuyển giao bắt buộc, quyền sở hữu của cổ đông sẽ được chuyển giao cho NHNN hoặc TCTD được chỉ định một cách bắt buộc, đơn vị nhận chuyển giao không phải trả chi phí gì. Như vậy, bản chất của chuyển giao bắt buộc cũng là mua bắt buộc 0 đồng. Sự khác nhau có lẽ chỉ ở chỗ mối quan hệ trong giao dịch “mua bắt buộc 0 đồng” là quan hệ mua bán, còn trong giao dịch “chuyển giao bắt buộc” là quan hệ mệnh lệnh hành chính.

Các điều kiện áp dụng biện pháp chuyển giao bắt buộc (hay mua bắt buộc)

Quay lại với các điều kiện áp dụng biện pháp mua bắt buộc TCTD, điều 28 dự thảo luật quy định có bốn điều kiện chính: 1) Thuộc trường hợp quy định tại khoản 6, điều 16 và khoản 3, điều 21 luật này; 2) TCTD được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại (NHTM); 3) Việc mua bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt để tránh ảnh hưởng an toàn hoạt động của hệ thống; 4) Giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng.

Trong đó, điều kiện đầu tiên “thuộc trường hợp quy định tại khoản 6, điều 16 và khoản 3, điều 21 luật này” được hiểu nôm na như sau: Sau khi NHNN xác định TCTD yếu kém và áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt, TCTD sẽ được đánh giá thực trạng và ưu tiên cho xây dựng phương án phục hồi (bao gồm bán cổ phần cho nhà đầu tư mới hoặc TCTD khác). Lúc này có thể xảy ra hai trường hợp có thể dẫn đến phương án mua bắt buộc:

Thứ nhất, nếu TCTD không xây dựng được phương án phục hồi trong thời gian quy định hoặc phương án phục hồi không được NHNN và Chính phủ phê duyệt thì NHNN sẽ trình Chính phủ quyết định phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản) hoặc mua bắt buộc.

Thứ hai, nếu được duyệt phương án phục hồi nhưng hết thời hạn thực hiện mà TCTD không phục hồi theo các tiêu chí nêu tại phương án hoặc NHNN xét thấy TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi theo phương án đã được phê duyệt thì NHNN quyết định hoặc trình Chính phủ quyết định việc thực hiện phương án xử lý pháp nhân (giải thể, phá sản) hoặc mua bắt buộc.

Như vậy, trình tự xử lý các TCTD yếu kém mà NHNN đề xuất đã được Chính phủ đồng tình, chỉ thay đổi khái niệm “mua bắt buộc” bằng “chuyển giao bắt buộc”.

Ngân hàng quá tệ, nếu không cho phá sản thì phải chuyển giao bắt buộc

Theo giải trình của NHNN, về nguyên tắc, biện pháp chuyển giao bắt buộc là biện pháp cuối cùng để xử lý khi NHTM yếu kém không thể thực hiện được phương án phục hồi, cũng không thể thực hiện được phương án giải thể (do không có khả năng thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ) và không thể thực hiện được phương án phá sản do tác động quá lớn đến an ninh tài chính, nền kinh tế và trật tự, an toàn xã hội.

Ai cũng biết việc giải thể hay phá sản là thuận theo quy luật thị trường và cũng đã được Chính phủ nhiều lần đề nghị cho nghiên cứu thử nghiệm. Mặc dù vậy, phá sản ngân hàng có lẽ chưa thể thực hiện trong vài năm tới do sự thiếu vắng các hành lang pháp lý, các kịch bản xử lý, nguồn lực tài chính (bảo hiểm tiền gửi) và tâm lý ỷ lại của người gửi tiền. Đấy là chưa kể đến các tác động dây chuyền sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế của kinh tế Việt Nam đối với phần còn lại của thế giới. Tất cả các mối lo ngại ấy khiến Chính phủ và NHNN sẽ phải rất đắn đo khi tính đến biện pháp phá sản ngân hàng...

http://www.thesaigontimes.vn/159182/Chuyen-giao-bat-buoc-thay-cho-mua-bat-buoc-0-dong.html