Để không dùng đến “biện pháp cuối cùng”

Để không dùng đến “biện pháp cuối cùng”

Tuần trước đồng loạt nhiều báo đưa tin: “Chấm dứt việc mua ngân hàng với giá 0 đồng”, làm nhiều người lầm tưởng đây là chủ trương mới, được quy định trong một văn bản luật vừa mới ban hành.

Thật ra chấm dứt việc mua ngân hàng với giá 0 đồng chỉ là một tinh thần, một mong muốn, một quyết sách nổi lên từ cuộc họp của Chính phủ khi thảo luận về dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Nói cách khác, biện pháp mua lại ngân hàng với giá 0 đồng vẫn được quy định trong dự thảo luật dưới tên chính thức là “phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt” nhưng các thành viên Chính phủ đồng tình là sẽ không sử dụng công cụ này trừ phi nó là biện pháp cuối cùng!

Về vấn đề này, dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu quy định các ngân hàng yếu kém sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong một số trường hợp; sau đó sẽ có đánh giá thực trạng và xây dựng phương án xử lý cũng như phương án phục hồi. Nếu không phục hồi được thì các ngân hàng yếu kém sẽ chịu các hình thức xử lý pháp nhân gồm sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản. Như vậy bán toàn bộ vốn điều lệ hay nhìn từ phía cơ quan quản lý là mua bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém chỉ là một trong nhiều hình thức xử lý. Hơn nữa dự thảo luật quy định trước tiên sẽ chỉ định tổ chức tín dụng có năng lực tài chính tốt mua bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, chỉ khi không có tổ chức tín dụng nào đề xuất mua thì Ngân hàng Nhà nước mới đứng ra mua bắt buộc.

Ở đây có hai vấn đề nổi lên: một là, như TBKTSG trước đây đã có nhiều bài phân tích, mua ngân hàng với giá 0 đồng không có nghĩa ngân sách nhà nước không tốn tiền mà thực chất Nhà nước phải rót những khoản tiền lớn để phục hồi các ngân hàng đã mua với giá 0 đồng. Nó tạo ra những hệ lụy về mặt rủi ro đạo đức cũng như không theo quy luật thị trường. Vì vậy rất mong tinh thần không sử dụng biện pháp cuối cùng này được tuân thủ về sau. Cần nhất là nhấn mạnh việc các cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu, thất thoát vốn... của tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra.

Tuy nhiên luật là luật, đã có quy định thì dù muốn dù không, nó vẫn sẽ là một biện pháp khả dĩ. Như vậy, vấn đề thứ hai là, để tránh dùng biện pháp mua bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém thì các điều kiện đặt ra để thỏa mãn tiêu chí mua lại với giá 0 đồng phải chặt chẽ hơn, nghiêm ngặt hơn chứ quy định chung chung “việc mua bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để tránh ảnh hưởng an toàn hoạt động của hệ thống” sẽ rất khó để minh định về sau. Hơn thế nữa, các biện pháp khác như cho giải thể hay để phá sản cũng cần được quy định cụ thể hơn nữa nhằm vẫn để ngân hàng yếu kém phá sản nhưng đồng thời bảo vệ sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Quy định “Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước để chi trả số tiền gửi cá nhân còn lại sau khi đã được Bảo hiểm tiền gửi chi trả” khi cho ngân hàng phá sản là một bước đi đúng theo hướng cụ thể hóa này...

http://www.thesaigontimes.vn/159171/De-khong-dung-den-bien-phap-cuoi-cung.html