ĐHĐCĐ KSB: Kế hoạch lãi 240 tỷ, chi gần 1,400 tỷ để đầu tư năm 2017

ĐHĐCĐ KSB: Kế hoạch lãi 240 tỷ, chi gần 1,400 tỷ để đầu tư năm 2017

Sáng 18/04, CTCP Xây dựng & Khoáng sản Bình Dương (HOSE: KSB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 để thông qua kế hoạch doanh thu hơn 1,000 tỷ đồng và lãi ròng 240 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 25%.

ĐHĐCĐ thường niên 2017 của KSB

Cụ thể, trong năm 2017, trong mảng đá xây dựng, KSB đề ra kế hoạch khai thác 4.2 triệu m3 đá hộc, chế biến gần 3.3 triệu m3 đá ở các mỏ đá Tân Đông Hiệp, xí nghiệp đá Phước Vĩnh và mỏ đá Tân Mỹ. Khai thác 70,000 m3 cao lanh và chế biến khoảng 31,500 m2 tại mỏ Tân Thành, Tân Lập và mỏ Minh Long. Theo đó, dự kiến doanh thu mảng khai thác và chế biến khoáng sản đạt gần 797 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 750 tỷ đồng năm 2016.

Mảng kinh doanh mà KSB dự kiến sẽ đột biến trong năm 2017 chính là bất động sản khi thực hiện kinh doanh ở Khu công nghiệp (KCN) Đất Cuốc và Khu biệt thự Bình Đức Tiến với doanh thu kỳ vọng 137 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 17.8 tỷ năm 2016.

Nhờ đó mà tổng doanh thu 2017 của KSB dự kiến đạt 1,025 tỷ đồng và lãi ròng 240 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 17% so với kết quả năm 2016. Trong đó, biên lãi gộp mỏ đá Tân Đông Hiệp dự kiến cao hơn hai mỏ khác vì khai thác sâu, còn biên lãi gộp mảng vật liệu xây dựng khoảng 27%, cát 12%, KCN 14%...

 

Chi gần 1,400 tỷ đồng đầu tư trong năm 2017

Ngoài ra, trong năm 2017 này, KSB dự kiến sẽ chi ra gần 1,400 tỷ đồng để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, máy móc thiết bị, đền bù đất, mở rộng KCN Đất Cuốc…

Về các dự án mỏ khoáng sản năm 2017, công ty sẽ hoàn thành hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác mở rộng xuống sâu mỏ đá Phước Vĩnh (thời hạn 5 năm); xin chủ trương của UBND tỉnh về việc cho phép thăm dò, khai thác mỏ đá Tam Lập. Ngoài ra, công ty phối hợp với các đơn vị trong mỏ đá Tân Đông Hiệp hoàn thành các hồ sơ, thủ tục xin chủ trương của tỉnh về việc khai thác sâu coste - 150 m. Trường hợp không được chấp thuận chủ trương khai thác sâu thì tiến hành xây dựng phương án cải tạo đóng cửa mỏ cho năm 2018.

Công ty cũng hoàn thành xây dựng cơ bản mỏ Sét Bố Lá, khai thác sét làm nguyên liệu cho Nhà máy gạch Bình Phú và kinh doanh sét thương phẩm.

Đồng thời, công ty tìm kiếm, nhận sang nhượng ít nhất một mỏ đá quy mô từ 20 - 40 ha, công suất khai thác từ 1.5 triệu - 2 triệu m3/năm ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu, chi phí khoảng 300 tỷ đồng đến 450 tỷ đồng.

Trong giá trị đầu tư năm 2017 của KSB, khoản đầu tư mở rộng dự án Khu công nghiệp Đất Cuốc giai đoạn 1, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 798 tỷ đồng. Cụ thể, Khu A của dự án có quy mô phần đất mở rộng diện tích 83.18 ha, bao gồm Công ty Đại Phát (5.9 ha), 23.66 ha đất đã đền bù; điều chỉnh đất cây xanh cách ly khu công nghiệp với đường DT 836B thành đất Thương mại - Dịch vụ dạng Shophouse diện tích khoảng 2.3 ha. Khu A có thời gian hoàn vốn 6 năm 4 tháng, lợi nhuận sau thuế toàn khu A khoảng 392.7 tỷ đồng.

Khu B của dự án có diện tích mở rộng mới 45.19 ha, phần diện tích chuyển đổi được thuê giao trước đây là 17.94 ha. Khu B có thời gian hoàn vốn 5 năm 9 tháng, lợi nhuận sau thuế toàn khu khoảng 278 tỷ đồng.

Nguồn vốn để đầu tư dự án mở rộng Khu công nghiệp Đất Cuốc là từ vốn chủ sở hữu của công ty, vốn vay ngân hàng và nguồn cho thuê 47.11 ha còn lại của KCN cộng với giá trị chuyển nhượng khu thương mại dịch vụ.

Đối với Dự án Khu biệt thự Bình Đức Tiến, công ty dự kiến hoàn thiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thực hiện hợp đồng sang nhượng dự án và thủ tục pháp luật đi kèm.

Năm 2017 có thể nhận chuyển nhượng mỏ đá quy mô 50ha

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh trong tương lai, ông Phan Tấn Đạt – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ cho biết, đối với KSB, Công ty đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, lấy chế biến khai thác khoáng sản làm tiềm năng phát triển (đối với mỏ đã hiện hữu, thực hiện mở rộng khai thác sâu), lấy ngành sản xuất vật liệu xây dựng làm cơ sở (tiếp tục mở rộng nhà máy gạch, mỏ sét).

Công ty cũng lấy mảng phát triển bất động sản KCN để duy trì sự bền vững bởi đánh giá hoạt động khu công nghiệp ở Bình Dương đang rất tiềm năng trong khi KSB có quỹ đất rộng. Trong KCN thì KSB sẽ phát triển dự án bất động sản dịch vụ, nhà ở công nhân…

Đối với mảng xây dựng hiện nay chưa hiệu quả nên Công ty đang tìm cách tái cơ cấu lại.

Chia sẻ thêm về tiềm năng gia hạn mỏ Tân Đông Hiệp, Công ty hiện đang thăm dò, lấy ý kiến người dân xung quanh, kết quả sơ bộ ban đầu có sự ủng hộ trên 90%. Nếu được gia hạn, ban điều hành đặt mục tiêu khai thác mỏ này xuống sâu thêm từ - 120 xuống  - 150m, trên diện tích 17ha, sản lượng 4.5 triệu m3 đến hết năm 2019.

Song, Ban lãnh đạo KSB đánh giá tỷ lệ được gia hạn là “5 năm 5 thua”. Và nếu không được sự chấp thuận, KSB còn 1 năm cải tạo, có thể tận thu khai thác, sản lượng khoảng 1 triệu m3, đến hết năm 2018.

Bên cạnh đó, Công ty thực hiện điều chỉnh tăng sản lượng bình quân 30% hai mỏ Phước Vĩnh và Tân Mỹ. Chủ trương nhận sang nhượng một số mỏ tại Đồng Nai, Vũng Tàu… Và nếu không có gì thay đổi thì KSB sẽ nhận chuyển nhượng 1 mỏ rộng 50ha tại ngã ba Dầu Giây trong năm nay. Với triển vọng như vậy thì hoạt động của KSB đủ để duy trì đến hết năm 2022.

Đối với KDC Bình Đức Tiến, ông Đạt cho biết vừa qua đã tìm kiếm được đối tác để sang nhượng, dự kiến thu về khoảng 40-45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế./.