Làm thế nào để phá vỡ vòng luẩn quẩn tài chính của châu Âu?

Làm thế nào để phá vỡ vòng luẩn quẩn tài chính của châu Âu?

Nền kinh tế ở khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) đang có vẻ tốt hơn nhiều. Sau nhiều năm đình trệ, cuối cùng tăng trưởng đã quay trở lại và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm xuống. Những nỗi sợ về một giai đoạn giảm phát cũng dần suy giảm. Tuy nhiên, hiện có một nguy cơ đã trở lại – và vòng lặp u ám trong ngành ngân hàng châu Âu chính là lý do, Bloomberg cho hay.

 

Các mối liên kết chặt chẽ giữa các nguồn tài chính Chính phủ và hệ thống ngân hàng là nguyên nhân chính của sự sụp đổ ở Tây Ban Nha, Ireland, Hy Lạp. Bên cạnh đó, các nhà làm chính sách đã làm quá ít để phá vỡ mối liên kết đó. Trong một báo cáo được công bố tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thẳng thắn nhấn mạnh vào mối nguy hiểm này: Chừng nào mà mối liên kết này còn tồn tại thì châu Âu sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính trên toàn thế giới.

Có 2 mặt đối với mối liên kết giữa các chính phủ và những tổ chức cho vay. Khi nhà đầu tư tin rằng một chính phủ sẽ giải cứu một ngân hàng yếu kém thì các rắc rối trong hệ thống tài chính đó có thể khiến cho lợi suất trái phiếu chính phủ tăng. Ngược lại, khi các tổ chức cho vay nắm giữ quá nhiều nợ chính phủ thì các mối nghi ngờ về sức khỏe tài chính của một quốc gia có thể lan sang các ngân hàng.

Công bằng mà nói thì eurozone đã có một số bước đi để cắt bỏ sự liên kết này. Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra những quy định mới bắt buộc nhà đầu tư trái phiếu phải chịu lỗ trước khi các chính phủ có thể giải cứu một ngân hàng. Giới điều hành cũng đã bắt buộc các tổ chức cho vay phải tăng thêm vốn, qua đó sẽ giảm nguy cơ phải cần đến những cuộc giải cứu mới.

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để phá vỡ mối liên kết trên. Cụ thể, Italy đang lợi dụng một “lỗ hổng” trong các quy định trên để cứu 3 ngân hàng trong khi không gây thiệt hại gì cho những người nắm giữ trái phiếu ưu tiên, điều mà cho thấy rằng kỷ nguyên giải cứu vẫn chưa kết thúc. Trong khi đó, các tổ chức cho vay ở những quốc gia yếu kém về mặt tài chính tiếp tục làm gia tăng thêm nợ chính phủ.

Eurozone nên mạnh tay hơn trong việc phá vỡ sự liên kết này. Những gì cần làm là một thỏa thuận lớn giữa những quốc gia dễ bị tổn thương hơn như Italy và những nền kinh tế mạnh hơn như Đức.

Những quốc gia dễ bị tổn thương hơn nên chấp nhận rằng phải có giới hạn về lượng nợ chính phủ mà các ngân hàng châu Âu có thể nắm giữ, dù quá trình này phải diễn ra từ từ để hạn chế tối đa sự bất ổn. Thêm vào đó, những quy định hiện tại đối với việc giải cứu ngân hàng cần được thực thi khắc khe hơn.

Đồng thời, chính phủ Đức nên hiểu rằng những quốc gia thành viên yếu kém hơn không thể giải quyết các vấn đề trong ngành ngân hàng khi không có sự giúp đỡ. Cơ quan Bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ giải cứu của eurozone - hiện can thiệp chủ yếu bằng cách cho các chính phủ vay, qua đó khiến cho gánh nặng nợ nần của họ càng tăng thêm. Thay vào đó, ESM nên can thiệp trực tiếp.

Những biện pháp này sẽ tạo ra khó khăn về mặt chính trị cho tất cả các bên, nhưng là cần thiết để củng cố eurozone trước cuộc khủng hoảng tiếp theo./.