Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Hạ nhiệt

Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Hạ nhiệt

Tâm điểm giao dịch đáng chú ý tuần qua (04-10/04) có lẽ là đến từ các cổ đông lớn thay vì ban lãnh đạo như những đợt trước. Mặc dù các vị lãnh đạo và người nhà ít giao dịch nhưng một khi đã “lên sóng” là với khối lượng và tỷ lệ khá lớn.

Trong khi các cổ đông lớn tích cực giao dịch tại những “ông lớn” như VNM, MBB, HDBank, SHB, PVI, BHS, TTF, MWG, SAMMST… thì lãnh đạo và người nhà của ITA, THW, VGP, VMA, KDCPAC cũng xuất hiện với những giao dịch đáng chú ý.

Tại ITA, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực Trần Hoàng Ân lần đầu tiên đăng ký mua vào 5 triệu cp để đầu tư. Nếu giao dịch thành công khi thị giá quanh mức 3,500 đồng/cp thì lượng tiền vị này bỏ ra khoảng 17 tỷ đồng để sở hữu một tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0.53% lượng cổ phiếu ITA đang lưu hành.

Trong khi đó, chỉ cần chi ra khoảng hơn 9 tỷ đồng để mua 433,200 cp (20,000 đồng/cp) thì vị Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc THW Trần Hữu Năm đã tăng sở hữu từ 2% để lên 10.76% vốn tại đây và trở thành cổ đông lớn. Lẽ ra tỷ lệ sở hữu sẽ còn tăng thêm nếu như vị này mua thành công hơn 1.43 triệu cp như đăng ký nhưng do đặt lệnh không khớp nên chỉ mua được gần 1/3 số lượng dự kiến.

Cổ phiếu KDC đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong tuần qua khi quyết định chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) 20% vốn tại công ty con là Kido Foods, tương ứng 11.2 triệu cp với giá 52,000 đồng/cp.

Đây cũng là thời điểm Thành viên HĐQT Trần Quốc Nguyên, cũng là em trai Chủ tịch Trần Kim Thành đăng ký mua thêm 300,000 cp KDC nhằm tăng sở hữu lên 855,707 cp (0.33%) trong thời gian từ 12/04 đến 10/05.

Ở thái cực ngược lại, gia đình Phó Chủ tịch VGP Đặng Như Bình (cùng vợ và con trai) đã thoái hết 661,970 cp, tương ứng 8.36% vốn tại đây. Với mức giá 28,500 đồng/cp, khả năng gia đình này đã mang về 18.8 tỷ đồng từ giao dịch này.

Động thái này cũng dễ hiểu khi ông Bình đã từ nhiệm chức giám đốc điều hành và người đại diện theo pháp luật VGP kể từ ngày 04/04/2017. Đồng thời, VGP cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Đăng Khoa lên giữ chức thay thế và là người đại diện theo pháp luật.

Ngay khi cổ phiếu VMA lên sàn UPCoM (tháng 9/2015), liên tục từ đó đến thời điểm gần đây, Chủ tịch Phạm Xuân Phi cùng Ủy viên HĐQT VMA Nguyễn Văn Học vẫn đều tay mua vào cổ phiếu VMA. Tuy nhiên, trong tháng 4 này, vị Ủy viên HĐQT Nguyễn Văn Học bất ngờ "trở tay" khi thoái hết 291,000 cp VMA, tương ứng gần 11% vốn, còn Chủ tịch Phi thì chưa có động tĩnh gì thêm. Trong khi đó tại VMA không có gì biến động ngoài việc ĐHĐCĐ thường niên ngày 12/04 tới sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT.

Cổ phiếu VMA từ khi niêm yết đến nay đã tăng 33%, lên mức 16,000 đồng/cp. Như vậy, khả năng ông Học đang thu về khoảng 4.6 tỷ đồng.

Tuần qua cũng có một giao dịch đáng chú ý là bà Đỗ Thị Ngân, vợ ông Trần Thanh Văn - Tổng giám đốc PAC đã bán 23,000 cp PAC, vượt số lượng đăng ký 3,000 cp. Theo lý giải của bà Ngân, do ngày 03/04 vào buổi sáng, bà đặt lệnh đang chờ khớp, đến buổi chiều bà quên lệnh đã đặt trước đó và tiếp tục đặt lệnh bán, điều này dẫn đến số lượng cổ phiếu bán nhiều hơn số lượng đã đăng ký trước đó./.