Myanmar: Bảo hiểm bảo lãnh tín dụng không giúp ích cho các SME

Myanmar: Bảo hiểm bảo lãnh tín dụng không giúp ích cho các SME

Dịch vụ bảo hiểm bảo lãnh tín dụng tại Myanmar đã được đưa ra từ năm 2014 nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nhưng đến nay sản phẩm này vẫn chưa được các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp đón nhận rộng rãi và chính vì thế, việc hỗ trợ tài chính cho các SME hiện vẫn trong tình trạng không đầy đủ, the Myanmar Times đưa tin.

 

Theo Tổng giám đốc Daw Aye Aye Win của Phòng Phát triển SME, trực thuộc Bộ Công nghiệp Myanmar, đến nay, mới có CB bank cấp các khoản vay cho 21 chủ doanh nghiệp trong khi KBZ chỉ cấp các khoản vay cho 3 doanh nghiệp, còn các ngân hàng khác vẫn không tin tưởng vào các doanh nghiệp đang được bảo hiểm bảo lãnh tín dụng.

Được biết, các công ty bảo hiểm bắt đầu bán bảo hiểm bảo lãnh tín dụng cho các SME từ tháng 05/2014. Mục đích của dịch vụ này là nhằm giúp các SME cần vốn có thể vay vốn từ các ngân hàng khi họ không có tài sản đảm bảo, đồng thời giúp các nhà cho vay giảm thiểu rủi ro đối với các khoản cho vay đó. Công ty bảo hiểm nhà nước Myanma Insurance hoặc các công ty bảo hiểm tư nhân sẽ bồi thường cho các đơn vị cho vay này khoảng 50% giá trị khoản vay trong trường hợp các SME không thể trả nợ được. Khoản bồi thường này có thể được xem như một tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng.

Thứ trưởng Bộ tài chính U Maung Maung Thein khi đó cho biết, sản phẩm bảo hiểm này sẽ được bán cho các SME vay vốn từ các tổ chức tài chính và các ngân hàng – những nhà cho vay mong muốn được chia sẻ rủi ro về các khoản vay đó – theo các mức phí bảo hiểm khác nhau áp dụng cho 2 loại khoản vay. Theo Thứ trưởng U Maung Maung Thein, đối với khoản vay có tài sản đảm bảo, phí bảo hiểm đối với mỗi 100 kyat trong năm đầu tiên sẽ là 2 kyat, năm  thứ 2 sẽ là 1.5 kyat và từ năm thứ 3 trở đi sẽ là 1 kyat. Còn đối với khoản vay không có tài sản đảm bảo, phí bảo hiểm đối với mỗi 100 kyat trong năm đầu tiên là 3 kyat, năm thứ 2 là 2 kyat và từ năm thứ 3 trở đi là 1 kyat.

Thế nhưng, sau một năm kể từ khi Myanmar giới thiệu loại hình bảo hiểm này, ông U Maung Maung Thein cho biết vẫn chưa có SME nào sử dụng đến dịch vụ tiện ích này cả. Và cho đến nay, sau gần 3 năm sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh tín dụng ra đời, tình hình cũng không có gì cải thiện so với khi đó.

Nhận xét về điều này, ông Daw Aye Aye Win cho rằng: “Các ngân hàng miễn cưỡng cung cấp nhiều khoản vay cho các SME dưới hình thức bảo hiểm bảo lãnh tín dụng. Những doanh nghiệp nhỏ phải đủ năng lực và đáp ứng đầy đủ điều kiện mới nhận được khoản vay. Họ cũng cần được các ngân hàng tin cậy”.

Và theo CEO Ko Zin Phyoe Paing của doanh nghiệp vừa và nhỏ MESI Entrepreneur, để được vay vốn khi không có tài sản đảm bảo, các SME phải nộp cho ngân hàng một bản kế hoạch kinh doanh và báo cáo thu nhập trong 2 năm liền. Nhưng, các SME “nhỏ bé” rất khó đáp ứng được các tiêu chí này.

Trong khi đó, theo các ngân hàng tại Myanmar, họ chỉ cho vay dưới hình thức có tài sản đảm bảo là thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM). Vì thế, theo ông Dr Maung Maung Lay, Phó chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI), CMB phải thay đổi chính sách của mình nếu như họ mong muốn các SME được vay vốn nhưng không có tài sản đảm bảo.

Theo Tổng giám đốc U Win Thaw của Ngân hàng Trung ương, do không có các quy định cụ thể đối với việc cung cấp các khoản vay nên các ngân hàng tư nhân nên được phép kiểm soát các tiêu chí cho vay đó, tùy vào niềm tin của họ đối với các trường hợp cụ thể.

Chia sẻ trên the Myanmar Times gần đây, ông U Win Thaw cũng cho biết, theo đề nghị từ các SME, Chính phủ cần đưa ra quy định bắt buộc các ngân hàng tư nhân phải áp dụng một tỷ lệ phần trăm cho vay cho các SME và lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động vay vốn giữa các ngân hàng và các SME này. Không có một cơ cấu cần thiết như thế thì sẽ không có đủ dòng vốn để các SME phát triển và qua đó thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế quốc gia.

Tổng giám đốc Daw Aye Aye Win của Phòng Phát triển SME chia sẻ thêm, năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật cũng đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của các SME. SME Development Enterprise – dưới sự quản lý của Bộ Công nghiệp - đã bắt tay vào việc tạo ra lao động có tay nghề từ năm ngoái nhưng vẫn còn nhiều thứ khác cần thực hiện nữa. Con đường để các SME phát triển cũng như các sản phẩm, dịch vụ của họ có thể tiếp cận với thị trường thế giới và cạnh tranh với các đối thủ khác trong khu vực vẫn còn khá xa phía trước.

Luật về các SME đã được ban hành hồi tháng 10 năm ngoái và Ủy ban Trung ương SME - Ủy ban xúc tiến phát triển các SME tại Myanmar - do Tổng thống Myanmar lãnh đạo cũng đã được thành lập. Nhưng, Ủy ban này chỉ mới bắt đầu hoạt động từ ngày 01/03/2017. Nhiều tổ chức khác cũng sắp ra đời theo luật này và hiện nay đang trong quá trình chuẩn bị.

Theo ông Ko Zin Phyoe Paing của MESI Entrepreneur, dù có những hạn chế nhưng hiện đang có các tín hiệu tốt cho các SME như phí đăng ký doanh nghiệp sẽ được giảm một nửa. Ngoài ra, vẫn còn nhiều vấn đề cụ thể cần được Chính phủ hiện thời giải quyết sớm.

Ông nói: “Thật khó để Chính phủ hỗ trợ toàn diện được. Họ nên xem xét SME nào cần được ưu tiên”.

Ông Ko Zin Phyoe Paing nói thêm, hiện nay, các khoản vay thực hiện cho các SME chủ yếu tập trung vào các SME công nghiệp. Nếu các khoản vay được mở rộng các SME thương mại và SME dịch vụ, có lẽ tình hình sẽ tốt hơn nữa.

Việc tiếp cận thông tin cũng rất cần thiết đối với các doanh nhân SME, nên cần có một nền tảng hoặc phương thức để thông tin được chia sẻ giữa các SME trong cả nước.

Myanmar sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để các SME phát triển, đặc biệt là trước xu thế phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong năm 2018. Nếu như những cố gắng có hiệu quả, các SME Myanmar có thể phát triển mạnh hơn, đạt được năng lực như các doanh nghiệp nước ngoài và khi đó họ sẽ cạnh tranh được trên thị trường ASEAN. Thế nhưng, thời gian có giới hạn trong khi trách nhiệm của Chính phủ trong việc cung cấp hỗ trợ có các SME để lĩnh vực này thật sự cất cánh thì đòi hỏi cần nhiều thời gian hơn thế./.