Nhật Bản nên làm gì khi bị Mỹ tấn công vào chính sách đồng tiền tệ?

Nhật Bản nên làm gì khi bị Mỹ tấn công vào chính sách đồng tiền tệ?

Nhật Bản nên phản đối bất cứ cáo buộc nào của Mỹ khi cho rằng quốc gia này đang làm suy yếu đồng yên để có lợi thế về thương mại, cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe đề nghị. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Koichi Hamada, cố vấn nội các và giáo sư danh dự về kinh tế học tại Đại học Yale, cho rằng Nhật Bản nên nhấn mạnh rằng họ có một chính sách tiền tệ khác với Trung Quốc.

Với việc Tổng thống Donald Trump chỉ trích các chính sách thương mại của Nhật Bản, Trung Quốc và những nền kinh tế lớn khác, Tokyo sợ rằng xung đột thương mại có thể sẽ quay trở lại lần đầu tiên sau nhiều năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhật Bản và những mối quan hệ sâu sắc giữa họ với Washington.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters rằng chính quyền mới đang thay đổi sự chú ý của họ từ những quốc gia “thao túng” tiền tệ sang những đồng tiền bị “sai lệch” về giá trị, ngay cả khi sự mất cân bằng đó là không hề có chủ ý.

“Những gì Nhật Bản nên tranh luận là Nhật Bản và Trung Quốc có những lập trường hoàn toàn khác nhau đối với việc quản lý tiền tệ. Nhật Bản không can thiệp vào thị trường tiền tệ dưới chính sách Abenomics, và chính sách tiền tệ của Nhật Bản chỉ nhắm vào các mục tiêu kinh tế trong nước”, ông Hamada nói hôm thứ Năm.

Tokyo đã không tham gia vào thị trường để đổi đồng yên lấy đồng USD kể từ tháng 11/2011. Tuy nhiên, đồng yên yếu là một trong những kết quả nổi bật nhất của những chính sách kích thích kinh tế mang tên “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe, qua đó góp phần thúc đẩy lợi nhuận của các công ty xuất khẩu và nâng giá trị các cổ phiếu của Nhật Bản lên cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn yếu và còn rất thấp so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

“Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, mức giá hiện tại của đồng yên không quá mạnh so với đồng USD. BOJ không cần nới lỏng thêm nữa”, ông Hamada nói.

Vào thời điểm ông Hamada trả lời phỏng vấn, 1 USD có giá bằng 110.50 JPY. Sau khi Mỹ phóng tên lửa vào Syria, 1 USD có giá khoảng 110.60 JPY trên thị trường châu Á.

Kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11, đồng USD đã tăng mạnh và vượt trên mức 118.60 yên, do có những kỳ vọng rằng ông Trump sẽ tiến hành các chính sách kích thích nền kinh tế, nhưng kể từ đó, đồng USD đã giảm khi chính quyền mới của Mỹ phải đối mặt với những rào cản đầu tiên tại Quốc hội.

Ông Hamada cho rằng các vấn đề thương mại nhạy cảm như tỷ giá hối đoái, xe hơi và nông nghiệp sẽ có thể xuất hiện tại những cuộc đàm phán song phương cấp cao trong tháng này. Tuy nhiên, ông nêu ra điều này như là cách để giúp cho hai Chính phủ tìm kiếm những thỏa thuận có lợi lẫn nhau sau khi thỏa thuận thương mại châu Á - Thái Bình Dương thất bại.

“Thảo luận về những vấn đề này trong cuộc đối thoại để tìm kiếm các tiêu chí cho những tình huống đôi bên cùng là điều hết sức bình thường, sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầy tham vọng”, ông Hamada nêu quan điểm.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản

Ông Hamada nhắc lại lời của ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc BOJ, người gần đây đã nói rằng ngân hàng trung ương này sẽ không nâng các mục tiêu lợi suất trái phiếu dài hạn chỉ đơn giản là vì lãi suất dài hạn ở các nước khác đã tăng.

Ông cho biết một ngân hàng trung ương nên quản lý chính sách tiền tệ chỉ để tác động lên nền kinh tế nội địa của quốc gia ấy.

 “BOJ không cần nâng mục tiêu lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm vì lợi suất ở Mỹ hiện đã tăng”, ông nói.

 “Nhưng nếu BOJ giữ lợi suất trái phiếu dài hạn thấp bất chấp lợi suất của Mỹ cao, thì điều đó tự nhiên sẽ đẩy nhanh đà rớt giá của đồng yên, và gây ra áp lực lạm phát nhẹ ở Nhật Bản”.

BOJ hiện cam kết giữ lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm quanh mức 0%, nhưng các nhà phân tích dự báo động thái tiếp theo của BOJ sẽ là bắt đầu thu hẹp quy mô chính sách tiền siêu rẻ của mình và họ kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ nâng mục tiêu lợi suất lên.

 “Nếu nền kinh tế Nhật Bản được kích thích quá mức, BOJ sẽ phải nâng mục tiêu lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm lên để hạ nhiệt nền kinh tế”, ông Hamada dự báo.

Ông cũng nhắc lại rằng BOJ không cần phải khư khư giữ nguyên mục tiêu lạm phát 2% của mình trong một môi trường mà thị trường việc làm đã chật cứng và nền kinh tế Nhật Bản đang có xu hướng hồi phục. “Miễn là thị trường việc làm đạt được mức toàn dụng nhân công và hoạt động sản xuất thuận lợi thì lạm phát giá hầu như không còn là mục tiêu cơ bản nữa. Theo ý tôi, mục tiêu giá chỉ là một mục tiêu thứ yếu”./.