Tăng trưởng toàn cầu sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Lào

Tăng trưởng toàn cầu sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Lào

Các nhà kinh tế Lào tỏ ra khá lạc quan về xu hướng tăng trưởng kinh tế sắp tới của nước này, theo sau các báo cáo kinh tế gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Vientiane Times đưa tin.

 

Chia sẻ gần đây trên Vientiane Times, nhà kinh tế cấp cao Dr Phouphet Kyophilavong tại Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh thuộc Trường Đại học Quốc gia Lào cho biết, các báo cáo của IMF và ADB rất đáng tin cậy do các tổ chức này rất có năng lực và từng thực hiện rất nhiều phân tích về kinh tế.

Ông Dr Phouphet Kyophilavong cho biết, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ tăng tốc trong năm 2017 và 2018, đặc biệt tại Trung Quốc và các nước thành viên khối ASEAN, qua đó sẽ tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng kinh tế Lào.

Theo báo cáo mới của ADB, kinh tế Lào sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay và tiếp tục diễn ra trong năm tới nhờ sự mở rộng của hoạt động sản xuất, tăng doanh số bán điện, tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực dịch vụ và việc thi công dự án tuyến đường sắt xuyên biên giới.

Được biết, quá trình xây dựng tuyến đường sắt nối giữa Viêng Chăn và biên giới Trung Quốc hiện đang diễn ra, kỳ vọng dự án này sẽ góp phần thêm cho xu hướng tăng trưởng kinh tế Lào và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho quốc gia này.

Theo công bố quan trọng về tình hình kinh tế hàng năm của ADB - Viễn cảnh Kinh tế ASEAN 2017 - tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lào được dự báo sẽ đạt 6.9% trong năm nay và 7% vào năm 2018, tăng từ mức 6.8% trong năm 2016. Trong khi đó, theo dự đoán của IMF, kinh tế Lào có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6.8% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự báo 7% của Chính phủ Lào.

Ông Yasushi Negishi, Giám đốc Cơ quan thường trú của ADB tại Lào, cho biết: “Dù có những hạn chế về tài chính và nhu cầu về khoáng sản trên toàn cầu yếu hơn trong những năm gần đây nhưng nền kinh tế Lào vẫn là một trong số những nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong khu vực, với mức tăng trưởng trung bình 7% trong vòng 10 năm qua”.

Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ tại mức 9% nhờ việc mở rộng hoạt động bán buôn và bán lẻ, nhà hàng khách sạn, dịch vụ tài chính và viễn thông. Lĩnh vực công nghiệp vẫn thể hiện xu hướng tăng trưởng mạnh 8% dù sản lượng khai thác khoáng sản giảm nhẹ. Hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng của lĩnh vực này chính là sự gia tăng sản lượng sản xuất điện và sự phát triển của nhiều tòa nhà thương mại và nhà ở.

Lĩnh vực nông nghiệp trong năm vừa qua cũng tăng nhẹ dù tình trạng hạn hán đã diễn ra hồi đầu năm, tăng từ mức 2% trong năm 2015 lên 2.5% trong năm 2016.

Thâm hụt tài khoản vãng lai có dấu hiệu cải thiện đôi chút, từ mức 16.8% GDP trong năm 2015 đã giảm còn 14.1% trong năm 2016. Tuy nhiên, thâm hụt này lại được dự báo sẽ tăng lên 19% trong năm nay và 20% trong năm 2018 do dự kiến sẽ nhập khẩu số lượng lớn vật liệu xây dựng và máy móc để đáp ứng nhu cầu cho dự án đường sắt Lào – Trung Quốc.

Riêng dự trữ ngoại hối Lào, gần như không thể hiện sự cải thiện đáng kể nào.

Về xu hướng kinh tế thế giới, theo báo cáo Cập nhật Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu gần đây của IMF, nền kinh tế thế giới được dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm tới, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Dự đoán này của IMF được đưa ra dựa trên giả định về sự thay đổi chính sách dưới thời chính quyền mới của Mỹ cũng như những ảnh hưởng của sự thay đổi này đến toàn cầu.

Bên cạnh đó, với xu hướng tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng diễn ra tại các quốc gia tiên tiến, phần lớn nhờ vào việc giảm thiểu lượng hàng tồn và sự khôi phục về sản lượng sản xuất, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu toàn cầu, qua đó sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu của Lào, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản.

Bên cạnh những kỳ vọng khả quan, nền kinh tế Lào vẫn đối mặt với một số rủi ro và thách thức, trong đó gồm có sự đảo chiều của chương trình củng cố tài chính và cả nguy cơ lạm phát tăng. Theo dự báo, hoạt động kinh tế trong nước mạnh hơn cùng với giá dầu tăng có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, qua đó sẽ gây áp lực lên cán cân thương mại. Tỷ lệ lạm phát có khả năng sẽ tăng dần qua các năm, từ 1.6% trong năm 2016 lên 2.5% trong năm nay và tăng lên 3% vào năm 2018.

Một thách thức đối với quá trình phát triển của Lào chính là việc cần thiết thực hiện tăng trưởng mang tính toàn diện, giảm nghèo đói song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đề cập đến vấn đề này, ông Negishi cho rằng: “Dù tăng trưởng GDP của Lào rất mạnh nhưng tỷ lệ giảm nghèo đói không cân xứng với xu hướng mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế. Đa dạng hóa các nguồn tăng trưởng theo hướng sản xuất và dịch vụ cần nhiều nhân lực hơn chính là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn diện hơn”./.