Tham vọng hóa “người khổng lồ” liệu có đưa giá DGC quay lại đỉnh cao?

Tham vọng hóa “người khổng lồ” liệu có đưa giá DGC quay lại đỉnh cao?

Lập đỉnh 57,000 đồng/cp vào cuối tháng 9/2016 nhưng sau đó nhanh chóng lao dốc và bay hơi 34% giá trị, hiện còn 38,000 đồng/cp khi kết phiên ngày 31/03. Nhưng với kế hoạch sáp nhập 4 công ty con và liên kết, đưa vốn DGC từ 500 tỷ bỗng chốc hóa hơn 1,000 tỷ đồng, liệu có đẩy giá cổ phiếu DGC quay trở lại thời kỳ đỉnh cao?

Cơ cấu những cổ đông của DGC tính đến ngày 11/07/2016

Được biết, tiền thân Công ty Hóa chất Đức Giang là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam thành lập năm 1963. Tháng 3/2004, Công ty hoàn tất cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng, tính đến tháng 12/2016, con số này đã là 500 tỷ đồng sau 6 lần thực hiện tăng vốn. Cổ đông nắm lượng lớn cổ phần chủ yếu là các cá nhân liên quan, trong đó ông Đào Hữu Huyền – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc với 26.2% vốn, cổ đông lớn thứ 2 là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nắm giữ 19.9%, kế đến là quản lý quỹ SSI (8.9%). 

DGC đang hoạt động với 1 công ty con là CTCP Hóa chất Đức Giang - Lào Cai (HNX: DGL) và 3 công ty liên kết là CTCP Hóa chất Phân Bón Lào Cai (LFC), CTCP Hóa chất Bảo Thắng (BTC) và CTCP Hóa chất Đức Giang - Đinh Vũ (DDC).

Điểm sơ kết quả kinh doanh 4 năm trở lại đây, doanh thu DGC có sự tăng trưởng qua các năm và lãi sau thuế luôn duy trì trên mức 100 tỷ đồng. Riêng năm 2016, doanh thu tuy tăng nhẹ 8%, đạt 2,622 tỷ đồng nhưng lãi ròng DGC lại sụt giảm 14% còn 242 tỷ đồng, chủ yếu do quý 3 và 4/2016 lợi nhuận không đạt như kỳ vọng từ việc công ty con DGL chịu sự thay đổi chính sách thuế đối với mặt hàng phốt pho làm tăng chi phí giá thành sản xuất.

Doanh thu và lãi ròng DGC giai đoạn 2013 – 2016
Đơn vị tính: Tỷ đồng

Niêm yết chính thức tháng 8/2014, giá DGC chủ yếu đi ngang khoảng 20,000 đồng/cp và lượng giao dịch cũng hiu hắt vài ngàn cổ phiếu. Nhưng đến tháng 9 và 11/2015, khi thông tin “con gà đẻ trứng vàng” của DGC là DGL lên sàn HNX, cùng với lãi quý 3/2015 đột biến gấp đôi nhờ liên doanh góp vốn, đường giá của DGC tạo nên đợt sóng từ 28,000 đồng/cp đã vọt nhanh lên 53,000 đồng/cp trong vòng 3 tháng, tăng hơn 87%.

Rồi đến tháng 8/2016, với luồng thông tin thuận lợi như được chính phủ cấp phép khai thác quặng Apatit tại Lào Cai, hai dây chuyền mới tại công ty Bảo Thắng dần đi vào hoạt động, giá DGC leo dốc suốt 2 tháng và lập đỉnh 57,000 đồng/cp vào 30/09/2016.

Những tưởng niềm vui còn kéo dài thì bất ngờ sau đó, DGC tuột dốc không phanh về 38,000 đồng/cp (tính đến phiên 30/03/2017), tương ứng mất 34% từ mức đỉnh mà chưa rõ nguyên căn vì đâu.

Giá cổ phiếu DGC từ khi niêm yết năm 2014 đến nay

Kế hoạch hóa “người khổng lồ” có cứu được giá cổ phiếu?

Mới đây, DGC đã công bố lộ trình thực hiện sáp nhập toàn bộ 4 công ty con, công ty liên kết vào DGC. Cụ thể, lộ trình này sẽ thực hiện theo hai bước, đầu tiên là sáp nhập Hóa chất và phân bón Lào Cai (LFC) và Hóa chất Bảo Thắng (BTC) vào Hóa Chất Đức Giang - Lào Cai (HNX: DGL) với hình thức hoán đổi cổ phiếu. Để thực hiện, DGL sẽ phát hành thêm gần 54 triệu cp cho các cổ đông LFC và BTC với tỷ lệ hoán đổi lần lượt là 1:1 và 1:0.8. Vốn điều lệ của DGL mới sau đợt phát hành lên gần 998 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất giai đoạn 1, DGL mới (bao gồm 2 đơn vị LFC và BTC) tiếp tục được sáp nhập vào DGC cũng theo hình thức hoán đổi. Theo đó, DGC sẽ phát hành gần 58 triệu cp cho các cổ đông DGL để hoán đổi lấy cổ phiếu DGL, vốn điều lệ sau thực hiện của DGC khi đó tăng lên 1,078 tỷ đồng. Đồng thời, DGL cũng sẽ chuyển thành công ty TNHH MTV DGL do DGC nắm giữ 100% vốn.

Đáng chú ý, DGL cũng vừa lên phương án phát hành 3 triệu trái phiếu chuyển đổi, mệnh giá mỗi trái phiếu 100,000 đồng cho cổ đông hiện hữu DGL mới (sau khi sáp nhập LFC và BTC). Trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 2%/năm và sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu DGL với tỷ lệ 1:10 (1 trái phiếu nhận được 10 cổ phiếu). Tuy nhiên, nếu thời gian hoán đổi diễn ra sau thời điểm DGL đã sáp nhập vào DGC thì trái chủ sẽ nhận được cổ phiếu DGC. Khi đó DGC sẽ phát hành 30 triệu cp để hoán đổi 3 triệu trái phiếu, tương ứng vốn điều lệ DGC sẽ tăng lên hơn 1,300 tỷ đồng.

Theo đó, công ty liên kết Hóa chất Đức Giang - Đinh Vũ (DDC) cũng sẽ chuyển mô hình hoạt động thành Công ty TNHH MTV với DGC sở hữu 100% vốn (do 2 cổ đông lớn sở hữu đều đã thuộc DGC).

Và sau khi các bước sáp nhập thành công, DGC sẽ bắt đầu một chuỗi hành trình mới với vốn điều lệ hơn 1,000 tỷ đồng và kế hoạch kinh doanh 2017 cũng rất ấn tượng với doanh thu dự đạt 5,118 tỷ đồng và 427 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 95% và 76%  so với năm 2016.

Kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2017 - 2019
Đơn vị tính: Tỷ đồng

Chặng đường 3 năm sắp tới cũng trở nên xán lạn hơn với tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh thu và lãi sau thuế dự kiến lần lượt 9.3%/năm và 21%/năm, theo đó DGC sẽ chạm gần 6,761 tỷ đồng doanh thu và 703 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2019.

Theo đánh giá của DGC, nếu thực hiện sáp nhập thành công, DGC sẽ là doanh nghiệp có quy mô và sản lượng photpho vàng lớn nhất Việt Nam và cũng là đơn vị đầu tiên làm chủ hoàn toàn chuỗi giá trị của quặng apatit.

Hơn nữa, việc sáp nhập này giải quyết được phần lớn vấn đề trong công tác quản trị , điều hành vì theo ban lãnh đạo DGC cho hay việc sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết - những pháp nhân riêng biệt hoàn toàn riêng biệt dẫn đến sự chồng chéo, đan xen, khó quản lý và không đảm bảo được tính minh bạch.

Song, con đường phía trước của DGC còn phải trông vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 vào tháng 4 sắp tới đây. Liệu rằng đây sẽ là cú bật cho DGC hay vẫn “mèo lại hoàn mèo”?./.