Chiến lược đầu tư của Warren Buffett có thể áp dụng vào đâu?

Chiến lược đầu tư của Warren Buffett có thể áp dụng vào đâu?

Warren Buffett rất giỏi trong việc chọn lựa những thương vụ đầu tư đáng giá. Khi quyết định đầu tư vào một công ty hay không, ông và các đối tác thường làm theo một số chỉ dẫn đơn giản. Một trong số đó là cố gắng xác định tuổi thọ của công ty đó, CNBC cho hay.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett

“Chúng tôi gần như biết được điều đó khi xem xét một công ty”, ông Buffett nói trong Hội nghị Cổ đông Thường niên năm 2017 của Berkshire Hathaway. “Chúng tôi có thể hình dung được họ sẽ làm ăn như thế nào trong 5, 10 hay 20 năm tới, và xác định được rằng lợi thế cạnh tranh mà công ty đó vào thời điểm hiện tại sẽ có kéo dài suốt quãng thời gian đó không”.

Nói một cách đơn giản, Buffett quyết định rằng một doanh nghiệp đáng để đầu tư là vì nó sẽ tồn tại lâu dài. Ông đã mua See's Candies, một đối tác làm ăn lâu năm Charlie Munger, trong năm 1972 và chi hơn 1 tỷ USD vào cổ phiếu Coca-Cola vào năm 1988 – hai công ty này đều là những vụ đặt cược thành công và ngày nay ông vẫn còn sở hữu cả hai.

“Phương pháp của ông ấy là: phải thật sự chắc chắn về điều gì đó trước khi mua nó, và một trong những cách ông thực hiện nguyên tắc này là gần như không bao giờ bán. Không phải là không bao giờ bán, vì trên thực tế ông cũng có bán cổ phiếu, nhưng ông tự nhủ rằng ‘Tôi biết là hầu như tôi sẽ chẳng bao giờ bán nó. Tôi thật sự phải thích cổ phiếu đó trước khi mua’ ”, Roger Lowenstein, người viết tiểu sử của Buffett, tác giả cuốn sách "Buffett: The Making of an American Capitalist", giải thích với phóng viên Alexis Christoforous của Yahoo.

“Không phải vì nguyên tắc ‘không bán’ mà chính là vì nguyên tắc ‘chỉ mua cái gì đó khi ông ấy thật sự, thật sự thích’ đã góp phần tạo nên thương hiệu của Warren Buffett”, Lowenstein nói.

Dù không phải ai cũng sẽ đạt được những kết quả tương tự Buffett trên thị trường chứng khoán, nhưng nguyên tắc cốt lõi của ông có thể áp dụng vào hầu như mọi món hàng chúng ta mua: Hãy đầu tư cho dài hạn.

Khi quyết định có mua một ngôi nhà hay không, một trong những câu hỏi đầu tiên bạn đặt ra cho mình là: Tôi dự định ở đây bao lâu? Thông thường, bạn càng sống ở đó lâu, thì thương vụ đầu tư vào bất động ấy càng trở nên có giá trị.

“Là một người thuê nhà, bạn có thể dễ dàng trả nửa triệu USD hoặc hơn cho tiền thuê nhà suốt nhiều năm (1,500 USD/tháng trong 30 năm thì sẽ thành 540,000 USD), và cuối cùng mọi chuyện kết thúc ở nơi bạn đã xuất phát – chẳng sở hữu được gì. Một khả năng khác là bạn có thể mua một ngôi nhà và trả một số tiền tương tự cho khoản vay mua nhà, và cuối cùng bạn được sở hữu ngôi nhà của riêng mình mà chẳng nợ nần gì”, David Bach, tỷ phú tự thân, viết trong cuốn "The Automatic Millionaire".

Bạn có thể áp dụng điều tương tự cho quần áo, vật dụng, bàn ghế trong nhà và bất kỳ thứ gì bạn sử dụng hàng ngày. Dù rất dễ bị ‘cám dỗ’ chọn cái rẻ nhất để tiết kiệm vào thời điểm đó – đặc biệt là nếu bạn đang có ngân sách eo hẹp – nhưng theo thời gian, những vật dụng tốt hơn sẽ bền hơn, khiến cho món tiền bỏ ra lúc đầu trở nên đáng giá.

Hãy nghĩ về điều đó về mặt chi phí sử dụng. Chẳng hạn, giả sử bạn đầu tư vào chiếc máy áo khoác giá 200 USD từ một cửa hiệu cao cấp. Nếu đó là một món đồ bạn phải có trong tủ quần áo và bạn mặc nó 2 lần/tuần trong cả năm, thì số ngày mặc tổng cộng là 104. Chia đều chi phí 200 USD ra theo số ngày thì bạn bỏ ra chưa đến 2 USD cho mỗi lần sử dụng. Đó không phải là một thương vụ tệ, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy nó tuyệt vời.

Cho dù bạn có sắp mua một chiếc quần jeans mới hay đang tìm kiếm một chiếc xe mới hay không, hãy áp dụng nguyên tắc của Buffett vào lần mua hàng sắp tới: liệu đây có phải là cái đáng để sở hữu lâu dài không?

Nếu nhà tiên tri vùng Omaha là một hình mẫu lý tưởng cho bạn, thì nguyên tắc “chỉ mua hàng khi bạn thật sự, thật sự thích chúng” sẽ rất hữu ích./.