Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện

Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện

Ứng dụng công nghệ số để tạo nên những kết quả đột phá trong tài chính toàn diện là xu hướng tất yếu và các quốc gia phải nhận thức rõ cơ hội mà xu hướng này mang lại.

Đây là ý kiến được các chuyên gia trình bày tại hội thảo Banking Vietnam 2017 chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam” do NHNN và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức ngày 19/05.

Đối với phát triển tài chính toàn diện, công nghệ số sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý 80-90%; giảm thiểu tối đa việc phải thiết lập các chi nhánh vật chất, tăng tiếp cận tài chính cho khu vực nông thôn, miền núi và phụ nữ; đa dạng hóa sản phẩm-dịch vụ và tăng cường khả năng thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin khu vực vùng sâu vùng xa. Tài chính số có thể giúp GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng thêm 3,700 tỷ USD đến năm 2025.

Tại Việt Nam, thể chế thúc đẩy tài chính toàn diện chưa đồng bộ, năng lực thực thi còn yếu; mức độ bao phủ ngân hàng còn thấp, mạng lưới ngân hàng phân bổ không đồng đều, tập trung chủ yếu ở thành phố, đô thị lớn và còn rất ít tại vùng nông thôn. Số xã có điểm giao dịch của các NHTM chỉ chiếm khoảng 10% tổng số xã nông thôn và cũng chiếm khoảng 10% tổng số điểm giao dịch trên cả nước. Tỷ lệ tín dụng cấp cho SMEs chiếm khoảng 25% tổng dư nợ; và tiếp cận tài chính còn khó khăn.

Sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại có thể giúp các ngân hàng đổi mới toàn diện từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối, mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn, và từ đó gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngân hàng số cũng đi kèm không ít thách thức như các vụ tấn công an ninh mạng vào các tổ chức tài chính, ngân hàng ngày càng phức tạp, phát tán virus mã độc qua các ứng dụng, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu khách hàng, giao dịch gian lận, lừa đảo trực tuyến…

Xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được xác định là cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để tiến tới mô hình quản trị thông minh, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, có thể phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực. Các ngân hàng có thể tận dụng lợi thế của người đi sau, tăng khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ hiện đại cho khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí, tăng năng suất lao động.

Tính đến năm 2016, đã có hơn 68 triệu tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng, tăng hơn 2 lần so với năm 2011. Điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về số tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng. Theo thống kê của Vụ thanh toán – NHNN, Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng hiện đạt 39.8%. 

Tuy nhiên nếu so sánh giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực,  thông qua bộ chỉ số Findex được thống kê bởi ngân hàng thế giới có thể thấy tỷ lệ này tại Việt Nam là thấp hơn các nước. Năm 2014, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản tại các tổ chức tài chính tại Việt Nam mới chỉ đạt 31% trong khi đó tỷ lệ này ở Trung Quốc là 79%, Ấn Độ là 53%. Một số nước khác trong cùng khu vực cũng có tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản cao hơn Việt Nam như Thái Lan là 78%, Malaysia là 81%./.