Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tài chính đến vùng sâu vùng xa với tài chính toàn diện

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tài chính đến vùng sâu vùng xa với tài chính toàn diện

Tại Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 31% người dân trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa ở khu vực nông thôn (27%). Rất nhiều người dân có nhu cầu nhưng chưa được cung cấp các dịch vụ phù hợp. Thực tiễn đó cho thấy gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính (chủ yếu là các dịch vụ ngân hàng) thuận tiện cho mọi thành viên xã hội là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay.

Ngày 18-19/05/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) cùng tổ chức sự kiện Banking 2017 “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam” - là chủ đề đã dành được sự quan tâm trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây.

Tài chính toàn diện (Financial inclusion) là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; Ngân hàng thế giới đã đặt ra mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho người thu nhập thấp trên thế giới đến 2020. Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 vừa diễn ra trong hai ngày 23-24/2 tại Nha Trang cũng đã dành một phiên thảo luận với chủ đề “Tài chính toàn diện trong việc hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn” và được nhiều nền kinh tế thành viên APEC quan tâm.

Tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có khoảng 31% người dân trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa ở khu vực nông thôn (27%). Rất nhiều người dân có nhu cầu nhưng chưa được cung cấp các dịch vụ phù hợp. Mạng lưới chi nhánh phòng giao dịch ngân hàng mới chỉ tập trung tại các khu vực thành thị phát triển, trong khi tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì còn rất hạn chế. Thực tiễn đó cho thấy gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính (mà trong đó chủ yếu là các dịch vụ ngân hàng) một cách phù hợp, thuận tiện cho mọi thành viên xã hội là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay.

Đây không phải là một mục tiêu dễ dàng đạt được, nhưng với kinh nghiệm từ rất nhiều quốc gia đã cho thấy, với sự hỗ trợ của công nghệ số ngay cả các nước đang phát triển, những nước nghèo cũng có thể đạt được những thành tựu mang tính đột phá về tài chính toàn diện. Sự phát triển của internet banking, mobile banking, công nghệ giao tiếp trường gần NFC, hay các tiến bộ trong công nghệ sinh trắc học sử dụng vân tay và mống mắt… đều có khả năng mang lại những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, tiện lợi và hiệu quả. Sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại có thể giúp các ngân hàng đổi mới toàn diện từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối, mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn, và từ đó gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngân hàng số cũng đi kèm không ít thách thức như các vụ tấn công an ninh mạng vào các tổ chức tài chính, ngân hàng ngày càng phức tạp, phát tán virus mã độc qua các ứng dụng, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu khách hàng, giao dịch gian lận, lừa đảo trực tuyến…

Các ngân hàng Việt Nam trong những năm vừa qua đã nhanh chóng nhìn nhận và nắm bắt được cơ hội phát triển trên nền tảng công nghệ. Nhất là xu hướng tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì quá trình này sẽ cần diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa./.