“Hy vọng vào cơ hội dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu”

“Hy vọng vào cơ hội dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu”

Ngày 22/5 tới, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 3, khóa 14. Giới ngân hàng chờ đợi, tại kỳ họp này, nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ được ban hành và nhanh chóng có hiệu lực từ 1/7/2017.

Trước thềm kỳ họp, theo định hướng của Chính phủ, dự thảo nghị quyết trên đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến các ban ngành liên quan để hoàn thiện, báo cáo và trình Quốc hội xem xét.

Xoay quanh dự thảo trên, ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, có những vấn đề thực sự, mức độ thực chất liên quan cần đặt thẳng ra, nhìn thẳng để hướng đến xử lý nhanh và thực chất nợ xấu.

Không dưới 10%

Thưa ông, những vấn đề thực sự, mức độ thực chất đó là gì?

Đó là hiện nay chúng ta vẫn chưa nói với nhau, với công chúng con số đúng về nợ xấu. Tất nhiên ở mỗi chuẩn mực, cấp độ đánh giá thì có những con số khác nhau. Còn người làm ngân hàng và các cấp quản lý hẳn đều ngầm định nợ xấu hiện nay thực sự rất lớn.

Trong hơn một năm qua, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì nợ xấu chỉ dưới 3%, gần đây cho thấy chỉ 2,46%, tức là nợ xấu nội bảng chỉ khoảng 150 nghìn tỷ đồng thôi. Dù các chuẩn mực phân loại nợ của chúng ta hiện đã mức độ cao hơn, sát thực hơn theo Thông tư 02, nhưng rõ ràng là ai cũng thấy có phần còn nằm ở những nơi khác nữa.

Vấn đề là phải có cơ chế tháo gỡ để công khai minh bạch hơn nữa, thì chắc chắn sẽ có số liệu minh bạch.

Nói như vậy nhiều người liên tưởng đến vậy thì các tổ chức tín dụng báo cáo sai số liệu ư? Thực chất là họ vẫn báo cáo “đúng” nhưng chưa “trúng”. Đơn giản vì chưa có cơ chế minh bạch rõ ràng thì các tổ chức tín dụng vẫn phải tự bảo vệ mình để bảo vệ người gửi tiền và bảo vệ nền kinh tế vĩ mô và xã hội. Vì hoạt động tín dụng ngân hàng chính là lăng kính phản ánh gần như toàn bộ sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia. Vì ở Việt Nam, nguồn vốn kinh doanh, đầu tư chủ yếu vốn vay từ nguồn tín dụng.

Nếu đi tìm thêm con số nợ xấu “lộ thiên” thì đơn giản cộng thêm nợ xấu chưa xử lý tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khoảng 208 nghìn tỷ đồng nữa, thì tổng nợ xấu vào khoảng 5,8%. Con số này là rõ ràng thấy được..., nhưng vẫn chưa phải tất cả.

Có một khối lượng nợ đang tiềm ẩn là nợ xấu, theo tôi là cũng phải tính, phải nhận diện cho đúng mức độ, để có ứng xử hợp lý, mà không “nói dối” nhau nữa. Cộng cả phần này, theo tôi biết thì tổng nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống hiện không dưới 10%. Đây là mức độ thực chất, là vấn đề thực sự.

Tôi đọc được gần đây và rất ấn tượng với nhận xét của một người không làm ngân hàng nhưng nói về nợ xấu rất có lý. Nhận xét đó đưa ra giả thiết một ngân hàng lớn ở Việt Nam có dư nợ cho vay 1 triệu tỷ đồng, nhưng năm nào cũng phải thực hiện mấy cuộc giải cứu của đất nước, từ giải cứu dưa hấu, thanh long, con tôm, cà phê, đàn heo... Tất cả dư nợ giải cứu đó đều có vấn đề, vậy thì hỏi báo cáo 5% nợ xấu liệu có tin được không?

Tôi cũng đặt vấn đề luôn, vậy ngân hàng ấy không dám công khai hết nợ xấu có phải chỉ vì sự tồn tại của một ngân hàng không? Trong khi họ đang gồng mình gánh cho cái chung toàn xã hội và họ đang tự tìm cách bảo vệ quyền lợi người gửi tiền để có nguồn xây dựng đất nước đấy chứ...

http://vneconomy.vn/tai-chinh/hy-vong-vao-co-hoi-dut-diem-cuc-mau-dong-no-xau-20170514121946882.htm