Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Chủ tịch gom lớn – vì đâu?

Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Chủ tịch gom lớn – vì đâu?

Ở tuần trước lễ (24/04-02/05), hàng loạt giao dịch mua vào của những vị chủ tịch công ty niêm yết đã diễn ra sôi động và áp đảo hơn chiều bán.

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2017 với nhiều kế hoạch khủng của NVL, giao dịch nhận chuyển nhượng 19.5 triệu cp của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn từ Credit Suisse AG đã thành công ngay từ những ngày đầu đăng ký, tăng tỷ lệ nắm giữ từ 21.41% lên 24.72%, tương đương gần 146 triệu cổ phiếu.

Thông tin liên quan đến NVL gần đây nhất là về ĐHĐCĐ thường niên 2017 với tham vọng tăng vốn lên 9,000 tỷ và kế hoạch tăng 80% lợi nhuận lên 3,144 tỷ đồng đã được cổ đông thông qua. Bên cạnh đó, NVL không chia cổ tức 2016 để đảm bảo nguồn lực triển khai 25 dự án và phải bàn giao 12 dự án trong năm 2017 (4,700 căn).

Trong tuần qua, một cái tên lớn khác cũng diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2017 là FLC. Tại đại hội này, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết sẽ cùng các thành viên HĐQT nâng tỷ lệ nắm giữ trên 50% vốn, nhằm giảm sự ảnh hưởng của xu hướng thị trường lên thị giá cổ phiếu này. Ngay sau đó, ngày 26 và 27/04, ông Quyết đã thực hiện lời hứa của mình khi hoàn tất gom 10 triệu cp FLC, nâng sở hữu lên hơn 124 triệu cp (19.46%).

Ngoài việc giải quyết vấn đề thị giá cổ phiếu thấp và kế hoạch sáp nhập với ROS, mục tiêu cho năm 2017 của FLC là 13,000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, gấp đôi năm trước. Tuy nhiên, kế hoạch lãi ròng lại giảm nhẹ và dừng ở mức 984 tỷ đồng.

Tại HHS, sau khi thống nhất không mua cổ phiếu quỹ, lời cam kết mua lại cổ phiếu của cá nhân Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ hồi đầu tháng 4 đã được thực hiện với tổng cộng 10 triệu cp HHS được về tay, nâng sở hữu lên 5.48% và trở thành cổ đông lớn.

Ở ba doanh nghiệp này thì tính thanh khoản tại HHS và FLC khá cao khi lượng giao dịch trung bình trong 4 tháng đầu năm lần lượt hơn 2.2 triệu cp và 18.6 triệu cp/ngày. Đáng nói là giá cổ phiếu lại thấp hơn cả giá trị sổ sách và mệnh giá, quanh mốc 4,000 đồng/cp đối với HHS và 7,500 đồng/cp đối với FLC. Như vậy, khả năng hai vị Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ (HHS) và Trịnh Văn Quyết (FLC) chỉ phải chi ra khoảng 40 tỷ và 75 tỷ đồng cho thương vụ gom lần này.

Còn NVL, giá vẫn đang ở mức cao hơn 70,000 đồng/cp, tăng gần 18% so với lúc niêm yết cuối năm 2016, ông Nhơn dự phải bỏ ra hơn 1,400 tỷ đồng cho đợt nhận chuyển nhượng 19.5 triệu cp.

Giá cổ phiếu HHS, FLC và NVL trong vòng 12 tháng

Đối với KLF, bên cạnh những giao dịch mua bán liên tục của Thủy Hải sản Liên Thành, mới đây Ủy viên HĐQT Trần Thế Anh cũng muốn mua 250,000 cp, trong khi trước đó ông chỉ nắm 5,722 cp (tỷ lệ 0%). Cổ phiếu KLF những ngày gần đây thường đứng giá quanh mốc 2,300-2,400 đồng/cp.

Ngược lại những giao dịch mua với số lượng lớn, ở chiều bán diễn ra với số lượng ít hơn. Ủy viên HĐQT ACM – ông Nguyễn Văn Hiền chỉ vừa thoái thành công 400,000 cp, thì tiếp tục muốn tháo chạy toàn bộ gần 1 triệu cp còn lại. Trước đó, một thành viên HĐQT khác là bà Phạm Thị Thúy Hạnh cũng đã bán hơn 1 triệu cổ phiếu ACM hồi tháng 3/2017, tuy vậy tổng tỷ lệ nắm giữ của vị này cũng còn khá cao 10.14% (gần 5.2 triệu cp). Nhìn lại hầu hết giao dịch của ACM từ năm 2016 đến nay đều là giao dịch bán từ những vị lãnh đạo và người thân.

Lãi quý 1/2017 của GEX đột biến nhờ STG, giá cổ phiếu ổn định hơn 20,000 đồng/cp nhưng bà Phạm Thị Thu Hà - vợ ông Võ Anh Linh - Ủy viên HĐQT của GEX lại bất ngờ đăng ký thoái hơn 3.6 triệu cp, chiếm 1.57% vốn. Được biết, vị Ủy viên này tuy không nắm cổ phần GEX, nhưng CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) do ông Linh làm Chủ tịch HĐQT lại đang có tỷ lệ sở hữu 4.64%. Đầu năm 2017, PTC là doanh nghiệp đã gom 4 triệu cp GEX sau khi VietinBank Capital thoái trước đó.

TTZ cũng diễn ra động thái ngược chiều nhau khi vợ thoái nhưng chồng là Ủy viên HĐQT đăng ký mua vào. Cụ thể trước đó, bà Hoàng Thị Kim - Ủy viên HĐQT Đặng Ngọc Thông vừa hoàn tất thoái 157,500 cp TTZ thì ông Thông đăng ký mua 200,000 cp. Nếu giao dịch sắp tới thành công, ông sẽ trở thành cổ đông lớn của TTZ với 5.11% (357,500 cp).

Ngoài ra, vị giám đốc tài chính của IVS – bà Tạ Thị Kim Chung sau khi bán bất thành toàn bộ hơn 517,400 cp (1.52%) đầu tháng 4 vì giá thị trường không phù hợp, bà tiếp tục đăng ký bán lượng cổ phiếu trên trong khoảnh thời gian từ 03/05 - 26/05/2017./.