Nghiên cứu dùng vốn trong nước đầu tư cao tốc Bắc-Nam

Nghiên cứu dùng vốn trong nước đầu tư cao tốc Bắc-Nam

Để sớm thu xếp nguồn vốn xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam, Chính phủ giao ba bộ (Tài chính, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư) nghiên cứu nguồn vốn tín dụng trong nước để đầu tư dự án này.

Hôm 17-5, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giao cho các Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nguồn vốn tín dụng trong nước để đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam.

Sau khi nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp thu xếp vốn để triển khai dự án, đồng thời thực hiện các biện pháp có hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công- tư.

Trong một diễn biến có liên quan đến dự án đường cao tốc Bắc – Nam, hôm 16-5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới nhận được tờ trình của Chính phủ, sau đó nhận được ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia và hiện vẫn còn 11 nội dung có ý kiến khác nhau. Dự án này cũng chưa có ý kiến của Bộ Chính trị…

Theo tờ trình của Bộ GTVT trình Chính phủ, dự án đường cao tốc Bắc – Nam cần phải xây dựng 1.372 km với tổng mức đầu tư là 314.100 tỉ đồng.

Sau đó, Chính phủ đã đồng ý phương án nhà nước hỗ trợ 55.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thực hiện, trong đó bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Phần vốn còn lại sẽ được huy động từ các nguồn khác như vốn vay ODA, vốn tư nhân…

Tuy nhiên, việc huy động vốn ngoài ngân sách cho dự án này đang là một bài toán khó khi mà các dự án BOT hiện đang thu phí đã quá nhiều, việc đặt thêm trạm thu phí ở đường cao tốc sẽ khiến người dân không có lựa chọn.

Hơn nữa, hiện nay các ngân hàng đã thắt chặt việc vay vốn đối với các dự án giao thông, sau một thời gian ồ ạt rót vốn cho các dự án BOT.

Trước đó, hôm 11-5, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải làm rõ hơn về tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện (khởi công và hoàn thành), phân tích sự cần thiết, hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù gắn với tiến độ thực hiện dự án.

Đối với phương án giải phóng mặt bằng, mặc dù năm 2014, Chính phủ chỉ đạo giải phóng mặt bằng toàn tuyến, nhưng để tránh lãng phí đất đai, Chính phủ đồng ý chỉ giải phóng mặt bằng các đoạn sẽ đầu tư với chiều dài 684 km.

Về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, Chính phủ khẳng định các cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để thu hút nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, cần đảm bảo các nguyên tắc đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, không thực hiện chỉ định thầu; các bộ, ngành có cơ chế giám sát chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ; có người chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần chống thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm và không kiến nghị Quốc hội việc cung cấp bảo lãnh (gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng)...

http://www.thesaigontimes.vn/160245/Nghien-cuu-dung-von-trong-nuoc-dau-tu-cao-toc-Bac-Nam.html