Vì sao UBS là miếng phó mát “khó xơi” đối với Singapore?

Vì sao UBS là miếng phó mát “khó xơi” đối với Singapore?

Cay đắng. Đó là 2 từ dùng để mô tả quyết định cắt giảm cổ phần của quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC Pte tại UBS Group AG sau gần một thập kỷ nuôi dưỡng thương vụ đầu tư này, Bloomberg cho hay.

 Tuy nhiên, liệu việc bán cổ phần này cũng là một dấu hiệu mang tính cảnh báo cho HNA Group – một tập đoàn đa ngành (conglomerate) của Trung Quốc gần đây đã tăng thêm cổ phần của mình ở một ngân hàng châu Âu khác là Deutsche Bank AG hay không? Có lẽ là không.


Vào hôm thứ Hai vừa qua, GIC Pte, cổ đông lớn nhất của ngân hàng Thụy Sĩ này, cho biết họ sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của mình từ 5.1% xuống còn 2.7%. Hồi tháng 12/2007, khi GIC Pte công bố rằng họ sẽ mua các trái phiếu chuyển đổi của UBS với giá 11 tỷ franc Thụy Sĩ (tương ứng khoảng 10 tỷ USD vào thời điểm đó) thì UBS cũng vừa mới giảm các thương vụ đầu tư “dưới chuẩn” ở Mỹ với một số lượng tương tự. GIC nghĩ rằng UBS đã đi trước một bước trong việc nhận ra các vụ lỗ do đầu tư “dưới chuẩn”, và một sự quan tâm dài hạn sẽ là một chiến lược tốt đối với “tiềm năng tăng trưởng cao” của mảng quản lý tài sản ở châu Á.

Không có điều gì xảy ra theo đúng kế hoạch. Vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bùng phát vào giữa năm 2011, UBS đã bị giảm 57 tỷ USD trong giá trị tài sản và thua lỗ tín dụng, và huy động gần 41 tỷ USD vốn mới, qua đó khiến cho cổ phần 9.5% của GIC “chẳng còn bao nhiêu”. Sau đó, họ lại bị phạt hàng tỷ USD cho vụ bán các trái phiếu và chứng khoán được đảm bảo bằng các tài sản thế chấp (MBS) cho hai tập đoàn tín dụng địa ốc là Fannie Mae và Freddie Mac.

Trong lúc gánh nặng điều hành trong thời kỳ hậu khủng hoảng tiếp tục gây áp lực lên UBS, thì việc tiếp cận với giới giàu châu Á đã không còn đem lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng này như GIC đã hy vọng.

Với lượng tài sản trị giá đến 311 tỷ USD, UBS hiện chắc chắn là tổ chức quản lý tài sản lớn nhất ở châu Á -Thái Bình Dương. Ngân hàng này đã thúc đẩy tài sản trong khu vực tăng thêm 10% hàng năm trong suốt 4 năm qua, dẫn đầu trong tốc độ tăng trưởng trong ngành này trên toàn cầu.

Tuy nhiên, châu Á cũng là một thị trường đông đúc, với nhiều đối thủ cạnh tranh, từ DBS Group Holdings của Singapore cho đến Merchants Bank của Trung Quốc đang ấp ủ các tham vọng lớn. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập cao hơn bình thường hiện làm giảm bớt triển vọng lợi nhuận của tất cả mọi công ty, bao gồm cả UBS. Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của UBS trong việc quản lý tài sản toàn cầu hiện dưới 43%, thấp hơn rất nhiều so với mức 73% hồi tháng 9/2015.

Vậy hành trình đáng thất vọng của GIC có thể là một câu chuyện mang tính cảnh báo cho HNA Group không? Câu trả lời là không, vì ít nhất 3 lý do sau đây:

Trong khi UBS là một trong 2 ngân hàng chính của Thụy Sĩ, thì Deutsche là ngân hàng toàn cầu duy nhất của Đức. Dù những sai lầm trong mảng ngân hàng đầu tư có thể đã khiến cho họ phải nhờ cậy đến vốn chủ sở hữu để tồn tại, nhưng ngân hàng Đức này “quá lớn đến nỗi không thể sụp đổ” (Too big to fail) – một điều mà UBS không bao giờ đạt tới được. Deutsche không cần đến một cuộc giải cứu, nhưng dễ thấy rằng với các mối quan hệ sâu sắc ở Đức, họ luôn có thể nhận được sự cứu trợ từ quê nhà.

Lý do thứ hai là: cũng phải xem xét đến việc định giá mà thị trường dành cho ngân hàng này. Cổ phiếu của Deutsche hiện đang có giá chỉ bằng phân nửa so với mức kỳ vọng trong 1 năm tới, trong khi trước đây UBS trông có vẻ như là một “giá hời” đối với GIC.

Cuối cùng, chính tham vọng mới là vấn đề: Trung Quốc cần khả năng “dealmaking” của một ngân hàng đầu tư toàn cầu để giảm bớt các lo ngại đối với dự án “Một vành đai, một con đường” ở phương Tây. Đảo quốc Singapore bé nhỏ chưa bao giờ tham gia cuộc chơi vì lợi thế địa chính trị. Khi ấy, họ cứ nghĩ rằng họ đang mua một vụ chuyển nhượng thương hiệu tài sản với “giá hời”, mà ít biết rằng họ sẽ hối tiếc về thương vụ này thế nào trong một thập kỷ sau.

Chuyến phiêu lưu châu Âu của HNA Group không thể để lại một kết quả cay đắng như GIC./.