AVF: Thông qua DATC đàm phán mua bán nợ và tái cấu trúc tài chính

AVF: Thông qua DATC đàm phán mua bán nợ và tái cấu trúc tài chính

Theo báo cáo thường niên 2016, CTCP Việt An (UPCoM: AVF) đặt mục tiêu chủ yếu trước mắt là thông qua Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đàm phán việc mua bán nợ và tái cấu trúc tài chính. Đồng thời công ty sẽ trở lại trong Top 10 công ty chế biến và xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam vào năm 2022.

 

Theo báo cáo tài chính 2016 của AVF, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến. Cụ thể, đơn vị kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán xác định tính đầy đủ và xác thực cho khoản mục Phải thu ngắn hạn với giá trị hơn 320 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng 99% trong năm. Ngoài ra, Công ty chưa hoàn tất việc đối chiếu và xác nhận đối với một số khoản mục Trả trước cho người bán ngắn hạn với hơn 3.94 tỷ đồng, khoản Người mua trả tiền trước ngắn hạn hơn 7 tỷ đồng, khoản Phải trả người bán ngắn hạn hơn 36.5 tỷ đồng, khoản Chi phí lãi vay phải trả ngắn hạn 234 tỷ đồng và khoản Phải trả ngắn hạn khác gần 102 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán cũng cho biết, Công ty đã chuyển sang hoạt động gia công cá tra fillet từ năm 2015 và tiếp tục duy trì hoạt động này trong năm 2016. Theo đó khả năng tạo ra dòng tiền và thanh toán công nợ của Công ty sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Công ty đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế 2,029 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016. Khoản lỗ này vượt quá số vốn điều lệ và các nguồn vốn khác của chủ sở hữu là 1,581 tỷ đồng và nợ ngắn hạn quá hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 1,679 tỷ đồng. Các yếu tố này làm nảy sinh sự hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động của Công ty trong tương lai.

Theo Ban lãnh đạo AVF, do ảnh hưởng của việc áp thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ đối với sản phẩm cá tra fillet của Công ty khi xuất vào Mỹ dẫn đến hoạt động sản xuất bị đình trệ, doanh thu xuất khẩu giảm đáng kể trong năm 2014.

Ngoài ra, lãnh đạo cao nhất của Công ty là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ trong thời điểm tháng 4/2014 đã đi nước ngoài trị bệnh, liên tiếp các thành viên HĐQT từ nhiệm và Công ty đã trải qua 3 lần thay đổi Tổng giám đốc cho đến tháng 11/2014. Vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2014 và 2015 bị tạm ngưng, Công ty chỉ tập trung hoạt động gia công. Tuy nhiên, các vấn đề còn tồn đọng của những năm trước là khá lớn nên Công ty cần có thời gian để xử lý.

Hiện nay, thông qua DATC, Công ty đang tích cực đàm phán với các chủ nợ và ngân hàng để tiến hành khoan nợ và tìm kiếm các phương án bán nợ cho nhà đầu tư mới. Định hướng chiến lược và kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất sẽ rõ ràng hơn sau khi Công ty hoàn thành các công việc nêu trên.

Còn chiến lược trung và dài hạn, AVF tìm đối tác hỗ trợ nguồn vốn phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Phát triển mô hình liên kết giữa ngân hàng - công ty - người nuôi, từ đó phát triển bền vững nguồn nguyên liệu.

Trong năm qua, AVF thực hiện được hơn 35,370 tấn nguyên liệu, thành phẩm đạt 13,906 tấn, mang về doanh thu 142.76 tỷ đồng chủ yếu nhờ gia công fillet. Tuy nhiên AVF vẫn lỗ hơn 844 tỷ đồng trong năm 2016, trong khi năm 2015 lỗ gần 350 tỷ đồng. Theo AVF, Công ty chưa có lợi nhuận do chưa có nguồn vốn tài chính để hoạt động sản xuất xuất khẩu. Doanh thu chỉ nhờ vào sản xuất gia công cá tra fille. Hoạt động gia công chưa sử dụng hết công suất sản xuất do một số máy móc cần được bảo trì, đại tu... Tỷ lệ chế biến còn quá cao (trên 2.5) dẫn đến sản lượng thành phẩm ít.

Hiện tại, AVF vẫn có tới 1,285 lao động với thu nhập bình quân là hơn 5.7 triệu đồng/tháng. Tổng giá trị tài sản tại thời điểm cuối năm 2016 chỉ còn 105 tỷ đồng chủ yếu do xóa các khoản nợ, tài sản thiếu chờ xử lý tồn đọng từ các năm trước và do phải trả lãi vay ngân hàng nên lỗ.

Hiện tại không có cổ đông nào nắm giữ trên 5% vốn AVF, tuy nhiên vẫn có 2 tổ chức nước ngoài đang nắm giữ cổ phiếu tại đây, còn trong nước là 7 tổ chức.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ thường niên ngày 21/06 vừa qua của AVF đã bất thành do chỉ có 4 người tham gia, đại diện cho hơn 6% số cổ phần có quyền biểu quyết./.

* Tải tài liệu: 000000006797194_AVF_BCTN_2016.pdf