Hồi sinh kinh tế Pháp liệu có dễ dàng?

Hồi sinh kinh tế Pháp liệu có dễ dàng?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết định hình lại nền kinh tế Pháp và đẩy mạnh các cuộc cải cách quan trọng của Liên minh châu Âu (EU), CNNMoney cho hay.

Cả 2 nhiệm vụ trên đều cực kỳ khó khăn và tràn đầy thử thách chông gai.

Chương trình cải tổ trong nước của ông Macron vừa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong ngày Chủ nhật vừa qua, khi các cử tri Pháp biểu thị sự ủng hộ cho Đảng chính trị của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp.

Kết quả rõ ràng của vòng bỏ phiếu đầu tiên đã tạo cho ông Macron nhiều cơ hội để giành lấy đa số ghế trong Quốc hội Pháp. Được biết, kết quả cuối cùng sẽ được công bố sau vòng bỏ phiếu cuối cùng vào ngày Chủ nhật tới (18/06).

Peter Boockvar, Giám đốc điều hành tại Lindsey Group, cho rằng đây là một khoảnh khắc đặc biệt đối với Pháp và là một cơ hội thật sự để thoát khỏi tình trạng đình trệ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những lý do để tỏ ra cẩn trọng hơn. Số lượng cử tri có mặt trong vòng đầu tiên là rất thấp, qua đó cho thấy nhiều cư dân Pháp vẫn nghi ngờ về chương trình nghị sự của ông Macron.

Sau đây là những mối đe dọa đối với nước Pháp:

Tại quê nhà

Nền kinh tế Pháp đã trải qua nhiều năm tăng trưởng vô cùng ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp cao và thâm hụt ngân sách nặng nề.

Các kế hoạch của ông Macron có thể phá vỡ tình trạng trên và tìm lại vị trí trước đây cho nước Pháp trên trường quốc tế sau một giai đoạn nhạt nhòa dưới thời tổng thống François Hollande. Cụ thể, ông đã cam kết nới lỏng đạo luật lao động khắt khe của nước này, hạ thuế thu nhập doanh nghiệp và thu hẹp thâm hụt ngân sách bằng cách giảm bớt quy mô khổng lồ của khu vực công ở Pháp.

Capital Economics cho biết các cuộc cải tổ có thể nâng tăng trưởng GDP thêm 1-1.5 điểm phần trăm trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của ông Macron.

Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp hiện ở mức 10%, và các điều luật bảo vệ nhân viên nghiêm khắc cũng một phần gây ra điều này.

Các công ty buộc phải xem xét cẩn thận đến việc tuyển dụng người mới vì họ lo lắng về các khoản chi phí cao khi các nhân viên này rời khỏi công ty trong tương lai.

Jennifer McKeown, Trưởng bộ phận kinh tế châu Âu tại Capital Economics, cho biết việc tạo điều kiện dễ dàng hơn để các công ty tuyển dụng và thương lượng với người lao động có thể giúp giảm bớt tình trạng lỏng lẻo trên thị trường lao động Pháp.

Cam kết làm cho quy định làm việc 35 tiếng/tuần trở nên linh hoạt hơn của ông Macron dường như rất khó đạt được.

“Như nhiều đời Tổng thống trước, ông Macron có khả năng đối mặt với các cuộc đình công và biểu tình chống lại kế hoạch gia tăng giờ làm việc và tính linh hoạt trong việc chi trả lương, qua đó có thể buộc ông phải giảm bớt các kế hoạch cải tổ”, McKeown cho biết.

Ngoài ra, ông còn cam kết giảm bớt 120,000 việc làm trong cơ quan Chính phủ Pháp bằng cách không tuyển người thay thế cho các vị trí khi nhân viên cũ nghỉ hưu.

Ông cũng đưa ra cam kết công khai về việc thu hẹp thâm hụt ngân sách bằng cách làm Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhà ở.

Những thay đổi ở châu Âu

Ông Macron được xem là một người bạn của Liên minh châu Âu (EU), và chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua là một dấu hiệu cho thấy đồng euro đã thoát khỏi các nguy cơ từ chủ nghĩa dân túy.

Tuy nhiên, ông Macron muốn thay đổi triệt để cách thức vận hành EU. Cụ thể, tân Tổng thống Pháp đề xuất xây dựng ngân sách chung, một Quốc hội chung và Chính phủ chung cho cả Eurozone. Ngoài ra, ông cũng muốn ECB phát hành trái phiếu chung châu Âu với mục đích đầu tư.

Ông sẽ có một khoản thời gian cực kỳ khó khăn để thuyết phục Đức về các ý tưởng trên.

Chính phủ Đức, được dẫn dắt bởi Thủ tướng Angela Merkel, đã phản đối các động thái mang các quốc gia thuộc eurozone lại gần với nhau hơn. Thay vào đó, Đức luôn đẩy mạnh các cuộc cải cách kinh tế và kỷ luật chi tiêu của Chính phủ ra khắp khu vực này.

“Đức có thể không rời bỏ vai trò người bảo vệ luật lệ ở eurozone”, Susi Dennison, Giám đốc đối ngoại chương trình European Power ở Hội đồng châu Âu (EC), cho hay.

Tuy nhiên, ông Macron và bà Merkel đều hiểu rõ rằng việc hợp tác là rất quan trọng đối với tương lai của EU.

Và điều này có thể dẫn tới sự thỏa hiệp giữa 2 quốc gia./.