MaritimeBank đã chuyển nhượng hơn 81 triệu cổ phiếu MBB

MaritimeBank đã chuyển nhượng hơn 81 triệu cổ phiếu MBB

Ngày 29/06/2017, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank, MSB) đã chuyển nhượng hơn 81.3 triệu cp của Ngân hàng TMCP Quân đội , tương đương 4.75% vốn cho CTCP Phát triển Hà Nam.

Mặc dù trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của MaritimeBank tổ chức ngày 26/05, Ban lãnh đạo ngân hàng này cho biết hiện đang sở hữu 4.85% tại MBB và chưa có kế hoạch thoái vốn tại MBB.

HĐQT MaritimeBank cũng đã có kế hoạch thoái vốn khỏi PGBank (MSB đang sở hữu 9.98%). Hiện PGBank đang làm thủ tục sáp nhập với VietinBank nên sau khi xong thủ tục sẽ tiến hành thoái vốn.

Đi cùng với đã tăng của giá và khối lượng giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây nhờ sự hậu thuẫn từ tăng trưởng tín dụng, kết quả kinh doanh và Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua, giá cổ phiếu MBB so với thời điểm đầu năm đã tăng gần 70%, dừng ở mức 22,300 đồng/cp chốt phiên giao dịch 29/06/2017. Đây cũng là phiên ghi nhận mức giá cao nhất từ khi niêm yết vào tháng 11/2011.

Nếu tính theo mức giá 22,300 đồng/cp, MaritimeBank ước tính thu về hơn 1,800 tỷ đồng.

Cùng với cổ phiếu BID, MBB thuộc nhóm cổ phiếu khiến thị trường tăng điểm nhiều nhất trong phiên giao dịch hôm nay (29/06) với MBB (+2.3%) và BID (+1.8%).

Thanh khoản cổ phiếu MBB cũng tăng đáng kể lên hàng triệu đơn vị mỗi phiên kể từ cuối tháng 4. Có nhiều phiên giá trị khớp lệnh đạt trên 100 tỷ đồng, lượng cổ phiếu giao dịch thành công đạt 5 đến 6 triệu đơn vị.

Gần đây nhất (22/06), thị trường chứng kiến 12 triệu cp MBB được sang tay thông qua giao dịch thỏa thuận, giá trị giao dịch lên tới 275.7 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch cổ phiếu MBB kể từ đầu năm 2017

Xét về cơ cấu cổ đông, tính đến thời điểm cuối năm 2016, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) là cổ đông lớn nhất của MBB với tỷ lệ sở hữu 14.75%, kế đến là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC (9.83%), Tổng công ty trực thăng Việt Nam (7.84%), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (7.52%), Vietcombank - VCB (7.04%) và nhóm cổ đông lớn nước ngoài (7.41%).

Năm 2017, MBB đặt mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1.5%. Lợi nhuận trước thuế 4,532 tỷ đồng, tăng 24% so với kết quả kinh doanh 2016, trong đó lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng dự kiến khoảng 4,300 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với thực hiện năm trước. Bên cạnh đó, MBB cũng dự kiến chi trả cổ tức 2017 với tỷ lệ 11%.

Ngoài ra, các cổ đông của Ngân hàng cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 18,155 tỷ đồng trong năm 2017 thông qua trả cổ tức và phát hành cho cán bộ nhân viên.

Tính riêng trong quý 1/2017, MBB ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 890 tỷ đồng, tăng trưởng 26%. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/03/2017 dừng ở mức 1.33%. Tổng tài sản ở mức 274,500 tỷ đồng, tăng 10%. Dư nợ cho vay đạt 172,704 tỷ đồng, huy động khách hàng 211,450 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và 8%.

Ai là người bỏ ra hơn 1,800 tỷ đồng gom cổ phiếu MBB?

CTCP Phát triển Hà Nam chính là đối tượng nhận chuyển quyền sở hữu hơn 81.3 triệu cp MBB từ MaritimeBank.

CTCP Phát triển Hà Nam thuộc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group). Tập đoàn này được thành lập năm 2006, là tiền thân củaTNG Holdings Việt Nam - Tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành trong nhiều lĩnh vực: Tài chính ngân hàng, khoáng sản, nông lâm nghiệp, bán lẻ và đầu tư kinh doanh bất động sản... và là một trong những nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp có quy mô và đang là chủ đầu tư và quản lý của 9 khu công nghiệp lớn ở miền Bắc như Quang Minh, Hà Nội – Đài Tư, Thạch Thất – Quốc Oai (Hà Nội); Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách (Hải Dương); Minh Quang, Cụm Công nghiệp Lifan (Hưng Yên) và Đồng Văn II (Hà Nam).

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường giữ chức vụ Chủ tịch VID Group kể từ năm 2006 khi tuổi đời chỉ mới 37.

Trước khi tham gia vào HĐQT của MaritimeBank, bà Hường đã từng tham gia vào HĐQT của Ngân hàng nông thôn Hải Hưng (tiền thân của Oceanbank ) và là Phó Chủ tịch VPBank. Từ tháng 2/2011-2/2012, bà Hường đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch thứ nhất của MaritimBank và sau đó là Chủ tịch Hội đồng sáng lập MaritimeBank.

Được biết, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VID Group đồng thời là Chủ tịch Hội đồng sáng lập MaritimeBank.

Chồng bà Nguyệt Hường - ông Trần Anh Tuấn là Chủ tịch MaritimeBank. Gia đình ông Trần Anh Tuấn hiện đang sở hữu 1.688% vốn điều lệ MaritimeBank. Trong đó, ông Trần Anh Tuấn nắm giữ gần 2 triệu cp MSB, tương đương 0.16% vốn điều lệ.

Trước đó, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, tỉnh Hà Nam đã mời một số doanh nghiệp có năng lực về tài chính và kinh nghiệm tham gia làm hạ tầng tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh, trong đó CTCP Phát triển Hà Nam đầu tư xây dựng tại KCN Đồng Văn I (220 ha) và Đồng Văn II (320 ha).

KCN Đồng Văn II hiện có tỷ lệ lấp đầy hơn 90% và là một trong những KCN trọng điểm của VID Group với vị trí chiến lược, thu hút đầu tư mạnh mẽ. Trong quý 1/2017, VID Group đã tiếp tục triển khai thi công dự án KCN Đồng Văn III, với quy mô 234.7 ha, cung cấp cơ sở hạ tầng và mặt bằng đất thuê đến các nhà đầu tư./.