Quốc hội sẽ giám sát cổ phần hóa DNNN

Quốc hội sẽ giám sát cổ phần hóa DNNN

Quốc hội đã quyết định thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giai đoạn 2011 - 2016.

Nghị quyết về giám sát nội dung này được Quốc hội thông qua sáng nay (21-6). Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát để thực hiện chương trinh giám sát năm 2018.

Đây là động thái cho thấy Quốc hội sẽ quan tâm hơn đến việc cải cách DNNN.

Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa 508 doanh nghiệp với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 760.774 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỉ đồng.

Năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 34.017 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỉ đồng.

Về tình hình thoái vốn, theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, trong giai đoạn 2011- 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái vốn đầu tư khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm được 11.036 tỉ đồng, thu về 10.742 tỉ đồng.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 411 doanh nghiệp, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỉ đồng, giá vốn 3.595 tỉ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỉ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.

Trong năm 2016, các đơn vị đã thoái được 5.149 tỉ đồng, thu về 18.832 tỉ đồng. SCIC đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị là 1.577 tỉ đồng, thu về 4.116 tỉ đồng.

Báo cáo của Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, hàng loạt các hạn chế trong công tác cổ phần hóa.

Một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN, chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch về tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá.

Số lượng doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa còn lớn nên làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị.

Việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai. Việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành và lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Nhiều doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại, cổ phần hóa, chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh.

Đặc biệt, chưa tách bạch được rõ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương với nhiệm vụ thực hiện quyền chủ sở hữu về vốn ở DNNN.

Quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp chưa được thực hiện tập trung và thống nhất, bị chia cắt, chưa chuyên trách vừa làm giảm hiệu lực quản lý, vừa không rõ trách nhiệm giải trình gây khó khăn đổi mới quản trị DNNN.

http://www.thesaigontimes.vn/161690/Quoc-hoi-se-giam-sat-co-phan-hoa-DNNN.html