Thanh tra việc quản lý quy hoạch, xây dựng, môi trường, nhà - đất công tại TPHCM

Thanh tra việc quản lý quy hoạch, xây dựng, môi trường, nhà - đất công tại TPHCM

Thực hiện quy định pháp luật về thanh tra, chiều 16/6/2017, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì buổi công bố Quyết định thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghệ, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà-đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; việc thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của Tổng Công ty Đầu tư Tài chính TP Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định Thanh tra số 1416/QĐ-TTCP, thời gian thanh tra là 70 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định, không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định. Thời kỳ thanh tra từ năm 2010 đến 31/12/2016, trong quá trình thanh tra nếu có nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ thanh tra, Đoàn Thanh tra có thể yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ để làm rõ.

Thực hiện quy chế giám sát hoạt động thanh tra, ngày 13/6/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã ký Quyết định số 1480/QĐ-TTCP thành lập Tổ Giám sát gồm 3 thành viên, do Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra Dương Văn Phấn làm Tổ trưởng.

Được biết, đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2017. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước để thống nhất nội dung thanh tra nhằm hạn chế hiện tượng chồng chéo trong thực hiện kế hoạch thanh tra; cũng như bảo đảm không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của đối tượng thanh tra; đồng thời, thông qua thanh tra sẽ từng bước giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân, công dân liên quan đến quy hoạch, xây dựng, môi trường, nhà-đất công, tái cơ cấu doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước.

Đây là các nội dung thanh tra được dư luận quan tâm, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra, hầu hết đều có tính chất phức tạp liên quan đến hàng loạt quy định pháp luật về nhà đất, quy hoạch, xây dựng, môi trường, cổ phần hóa, thoái vốn, tài chính... nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của UBND TP Hồ Chí Minh với Đoàn Thanh tra. Tổ Giám sát với mục đích có kết luận thanh tra khách quan, công tâm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo xử lý các sai phạm (nếu có); đồng thời, bổ sung cơ chế, sửa đổi chính sách để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật quản lý, sử dụng đất, môi trường và đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài việc thanh tra quản lý, sử dụng đất, môi trường và đầu tư xây dựng cơ bản, Đoàn Thanh tra cũng sẽ xác minh, làm rõ một số vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân địa phương./.