TTCK Mỹ sẽ ra sao trước cơn giông bão chính trị sắp tới?

TTCK Mỹ sẽ ra sao trước cơn giông bão chính trị sắp tới?

Tháng 6 là một trong những tháng chứng khoán có thành quả yếu nhất

Thị trường chứng khoán có thể phải đối mặt với tuần biến động bất thường nhất tính tới thời điểm này của năm 2017 khi sắp xảy ra 3 sự kiện có khả năng gây bất ổn là cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey, cuộc bỏ phiếu ở Anh và cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), MarketWatch đưa tin.

3 sự kiện trên gần như diễn ra đồng thời vào ngày 08/06/2017 và có thể gây cản trở đến hành trình lập kỷ lục mới của chứng khoán Mỹ.

“'Mùa giông bão' của chính quyền Donald Trump được dự báo sẽ bắt đầu sớm hơn bình thường trong năm nay khi hàng loạt sự kiện bất ổn hội tụ trong cùng một ngày”, Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Cornerstone Financial Partners, cho hay.

Vào ngày thứ Năm tới, ông Comey – người đã bị Tổng thống Donald Trump sa thải hồi đầu tháng này – sẽ phải điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện (SIC) về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, và về việc ông có bị gây áp lực để ngưng điều tra về mối quan hệ giữa chiến dịch của Donald Trump và các quan chức Nga.

“Cuộc điều trần của ông Comey dường như sẽ là động thái thứ 2 trong diễn biến mới nhất ở Capitol Hill và chúng tôi nghĩ là động thái này chỉ trì hoãn thêm tiến trình thực hiện các cuộc cải cách thuế và các biện pháp kích thích tài khóa”, Charlie Ripley, Chiến lược gia đầu tư tại Allianz Investment Management, nói với MarketWatch.

Trong tháng vừa qua, chứng khoán Mỹ đã liên tiếp lên mức kỷ lục mới do kỳ vọng rằng Donald Trump sẽ mở ra một kỷ nguyên thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua các đợt cắt giảm thuế và việc gia tăng chi tiêu tài khóa.

Bên cạnh cuộc điều trần của ông Comey trước Thượng viện, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI), Robert Mueller, sẽ chịu trách nhiệm điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.

Và tại xứ sở sương mù, cử tri Anh sẽ hướng tới các điểm bỏ phiếu vào ngày 08/06/2017 để bầu chọn đại diện của họ trong Hạ Viện Anh. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này có thể định hình lại Quốc hội Anh và có thể dẫn tới tình trạng bất ổn lớn hơn khi quốc gia này chuẩn bị bước vào tiến trình đàm phán dài dẵng về Brexit.

Trong cùng ngày, ở Tallinn thuộc Estonis, ECB có thể tạo ra chấn động cho thị trường nếu cơ quan này bất ngờ thông báo thay đổi chính sách để ngừng cung cấp các chương trình kích thích khổng lồ của mình tới khu vực châu Âu.

Các chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank tin rằng dù ECB chưa thực sự sẵn sàng để thông báo ngừng cơ chế nới lỏng định lượng trong tuần này, nhưng cơ quan có thể ra hiệu sẽ giảm dần các chương trình kích thích trong tương lai.

Dựa trên dữ liệu quá khứ, chứng khoán Mỹ đã giảm bình quân 0.79% trong 2 tuần từ 30/05-13/06 trong 10 năm vừa qua, dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy.

Kể từ năm 1950, tháng 6 là một trong những tháng ảm đạm nhất với thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó chỉ có tháng 8 và tháng 9 có tỷ suất sinh lợi tồi tệ hơn được cho thấy trong biểu đồ của Ryan Detrick, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại LPL Financial.

Tuy nhiên, vẫn còn có những lý do để nhà đầu tư tỏ ra tự tin hơn.

“Lịch sử cho thấy tháng 6 được xem là một tháng tồi tệ đối với cổ phiếu, nhưng dấu hiệu ở đây là một số đợt sụt giảm tồi tệ nhất đã xảy ra khi S&P 500 rớt mốc trung bình động trong 200 ngày vào đầu tháng. Khi S&P 500 đang trên đà tăng – nằm trên đường xu hướng dài hạn – thì chứng khoán lại tăng 59% trong tháng 6, còn nếu ở dưới đường này thì lại giảm 33%”, ông Detrick cho biết trong một báo cáo gần đây.

Chứng khoán Mỹ đã khởi đầu tháng 6 với mức tăng mạnh và dao động trên mức trung bình động 200 ngày, qua đó cho thấy sự gia tăng của mức độ biến động có thể là một cơ hội để mua cổ phiếu, ông nói thêm. Trên thực tế, thị trường đã hồi phục khá mạnh, và thậm chí dữ liệu kinh tế ảm đạm cũng không thể tác động tiêu cực đến nhu cầu cổ phiếu của nhà đầu tư.

Trong tháng 5/2017, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 138,000 việc làm mới, thấp hơn dự báo 185,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của MarketWatch. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001 với 4.3%, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong ngày thứ Sáu.

Dẫu vậy, những con số ảm đạm về thị trường việc làm có thể làm nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể chỉ nâng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay thay vì 2 đợt như dự báo trước đó. Fed có thể nâng lãi suất sớm nhất là vào tháng 6 tới khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) họp mặt.

Tất cả chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt lên mức kỷ lục 2 phiên liên tiếp trong ngày thứ Sáu. Tính chung trong tuần trước, Dow Jones cộng 0.6%, S&P 500 tăng 1% và Nasdaq Composite leo dốc 1.5%./.