Chứng quyền có đảm bảo: Ngày thanh toán là T+2

Chứng quyền có đảm bảo: Ngày thanh toán là T+2

Việc thanh toán giao dịch chứng quyền niêm yết tại SGDCK được thực hiện theo kết quả bù trừ đa phương với ngày thanh toán là ngày làm việc thứ hai sau ngày giao dịch (T+2) và theo nguyên tắc chuyển giao chứng quyền đồng thời với thanh toán tiền (DVP).

Trung tâm lưu ký (VSD) công bố lấy ý kiến dự thảo Quy chế về hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán, bù trừ và thực hiện chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant).

Theo đó, trình tự, thủ tục điều chỉnh thông tin về nhà đầu tư đã lưu ký chứng quyền, cầm cố, giải tỏa cầm cố, phong tỏa, rút, chuyển khoản chứng quyền... được thực hiện như chứng khoán lưu ký theo quy định hiện hành. 

Việc thanh toán giao dịch chứng quyền niêm yết tại SGDCK được thực hiện theo kết quả bù trừ đa phương với ngày thanh toán là ngày làm việc thứ hai sau ngày giao dịch (T+2) và theo nguyên tắc chuyển giao chứng quyền đồng thời với thanh toán tiền (DVP).

Trình tự, thủ tục việc đối chiếu, xác nhận kết quả giao dịch, sửa lỗi giao dịch, huỷ thanh toán giao dịch, cơ chế hỗ trợ thanh toán, quy trình thanh toán giao dịch chứng quyền được thực hiện như trình tự, thủ tục đối với cổ phiếu niêm yết theo các quy định hiện hành tại Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.

Được biết theo quy định tại Việt Nam, chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành. Nhà đầu tư sẽ trả một khoản phí (premium) để sở hữu chứng quyền và được quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước thời điểm đã được ấn định, hoặc được nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Có hai loại chứng quyền cơ bản là chứng quyền mua (call warrant) (có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ được mua một chứng khoán cơ sở với mức giá được xác định trước vào hoặc trước ngày đáo hạn) và chứng quyền bán (put warrant) (có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ được bán một chứng khoán cơ sở với mức giá được xác định trước vào hoặc trước ngày đáo hạn). Chứng quyền có bảo đảm có thể được phát hành trên nhiều chứng khoán cơ sở khác nhau như cổ phiếu đơn lẻ, chỉ số chứng khoán, ETF.

Sau khi niêm yết, tất cả các hoạt động giao dịch chứng quyền sẽ được quản lý, giám sát và hướng dẫn bởi Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc giao dịch và thanh toán chứng quyền có bảo đảm hoàn toàn tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư được dùng tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường để giao dịch chứng quyền có bảo đảm và tuân thủ theo nguyên tắc khi mua phải có đủ tiền và khi bán phải có đủ chứng quyền. Tuy nhiên, có một số hạn chế đối với nhà đầu tư như việc giao dịch ký quỹ không áp dụng đối với chứng quyền có bảo đảm và quỹ đại chúng chỉ đầu tư vào chứng quyền chỉ với mục đích phòng ngừa rủi ro. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giao dịch chứng quyền có bảo đảm không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu.

Hiện tại, HOSE cho biết công tác triển khai sản phẩm đang được các cơ quan quản lý cùng với các thành viên thị trường khẩn trương thực hiện và kỳ vọng trong quý 3/2017 sẽ có sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đầu tiên tại Việt Nam được niêm yết trên HOSE.

* Tài liệu: Dự thảo quy chế