Liệu Myanmar có thể đạt được mục tiêu thương mại 29 tỷ USD trong năm nay?

Liệu Myanmar có thể đạt được mục tiêu thương mại 29 tỷ USD trong năm nay?

Tổng giá trị thương mại đạt 29 tỷ USD chính là mức mục tiêu mà Chính phủ Myanmar đã đề ra cho năm tài chính 2017-2018, theo Phó bí thư Bộ Thương mại Myanmar (MoC), ông U Khin Maung Lwin.

Theo ông U Khin Maung Lwin, trong tổng số 29 tỷ USD đề ra, mục tiêu xuất khẩu sẽ đạt 14 tỷ USD và 15 tỷ USD còn lại từ nhập khẩu. Thừa nhận rằng nhập khẩu được dự kiến sẽ vượt xuất khẩu trong năm tài chính này, ông U Khin Maung Lwin cho rằng Myanmar cần tập trung nhiều hơn vào việc cải tiến các mặt hàng xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm. Ông nói: “Nếu so với năm trước, chúng ta thấy rằng xuất khẩu đang tăng. Dù xuất khẩu khí thiên nhiên đã sụt giảm nhưng xuất khẩu các nhóm mặt hàng thuộc lĩnh vực tư nhân như lúa gạo, ngô và đậu đang tăng lên. Trong khi đó, các lĩnh vực dệt may và đánh bắt thủy hải sản cũng có tiềm năng xuất khẩu to lớn. Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được mục tiêu đề ra”.

Theo Chủ tịch U Myint Soe của Hiệp hội các nhà sản xuất hàng dệt may Myanmar, xuất khẩu nhóm mặt hàng này đã tăng 30% kể từ năm 2012 với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2.2 tỷ USD.

Những hoài nghi

Trong khi quan chức của MoC tỏ ra khá lạc quan về khả năng Myanmar sẽ đạt được mục tiêu thương mại đề ra thì hiện cũng đang xuất hiện những hoài nghi về khả năng đó. Được biết, năm ngoái MoC đã kỳ vọng tổng giá trị thương mại đạt 31 tỷ USD nhưng do kim ngạch nhập khẩu giảm và một số khu thương mại cửa khẩu đã phải tạm thời đóng cửa nên tổng giá trị thương mại chỉ đạt 29.2 tỷ USD.

Nhiều thứ diễn ra không mấy khả quan tính đến thời điểm này của năm. Tính đến tháng 6, tổng giá trị thương mại chỉ mới đạt được hơn 7.78 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 3.16 tỷ USD.

Những cản trở có liên quan đến các cảng biển

Doanh nhân Dr Soe Tun đề cập đến một nguyên nhân gây cản trở cho khả năng đạt mục tiêu thương mại của Myanmar đó là năng suất tại các cảng biển rất kém. Dù lĩnh vực vận tải biển của quốc gia này đã được mở rộng để đáp ứng khối lượng thương mại ngày một gia tăng nhưng cho đến nay các cảng vẫn không đáp ứng được tốc độ tăng trưởng đó.

Năm rồi, có tổng cộng 850 tàu vận chuyển 1 triệu container 20 feet (20’) qua các cảng của Myanmar, so với năm 2011 có 604 tàu vận chuyển 380,000 container cùng cỡ. Như vậy, về số lượng tàu đã tăng 41% và tổng số lượng container được vận chuyển qua các cảng tăng 160% trong giai đoạn 5 năm.

Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng này có dấu hiệu chững lại ở các năm về sau này do các cảng phải đối mặt với những hạn chế riêng của mình. Trong năm 2015, có tổng cộng 850 tàu nhưng chỉ vận chuyển được 827,000 container 20’ và số lượng trong năm 2016 cũng gần bằng như thế.

Ông Soe Tun nói: “Trong suốt năm tài chính vừa qua, Myanmar đã xuất khẩu gạo qua 53 quốc gia và khoảng 40% số gạo xuất khẩu đã được vận chuyển bằng đường biển. Trước đây, chỉ có khoảng 20% gạo xuất khẩu được vận chuyển bằng đường biển. Các cảng biển của chúng ta không thể hoạt động nhiều hơn để theo kịp với xu hướng gia tăng về xuất khẩu gạo”

Sản xuất giảm dần

Trong khi xuất khẩu đường trong năm rồi đạt đến 3 triệu tấn thì hiện xuất khẩu mặt hàng này đang giảm do nhu cầu thấp hơn từ phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, xuất khẩu ngô cũng có dấu hiệu đi xuống. Nhu cầu đậu từ các thị trường nước ngoài cũng giảm, khiến giá đậu hiện đã giảm còn chỉ 480 USD/tấn so với giá trước đây là 1,400 USD/tấn.

Dựa trên những số liệu đưa ra, khả năng đạt được mục tiêu thương mại của Myanmar dường như không thể. Ông Dr Soe Tun, một doanh nhân kiêm Chủ tịch của Liên đoàn Lúa gạo Myanmar, cho rằng: “Sẽ không hề dễ dàng để đạt được mục tiêu đề ra trong năm nay đối với Myanmar. Gạo chỉ có thể mang lại 600 triệu USD mỗi năm, tương đương 5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cố gắng để đạt được mức cao hơn thế là điều không hề dễ đối với quốc gia này”./.

Myanmar Times