Mua lại sản phẩm từ các công ty bán lẻ ở Mỹ, Amazon định làm gì?

Mua lại sản phẩm từ các công ty bán lẻ ở Mỹ, Amazon định làm gì?

Amazon đang ra sức gia tăng danh mục sản phẩm của mình bằng cách nói với hàng chục ngàn nhà bán hàng hóa thông qua marketplace ở Mỹ rằng công ty sẽ mua hàng tồn kho của họ ở mức giá bán lẻ, CNBC cho hay.

 

Marketplace là mô hình thương mại điện tử hoạt động theo hình thức C2C (Customer to Customer).

Trong một lá thư điện tử gửi tới các người bán hàng hóa thông qua marketplace, nhóm về dịch vụ Fulfillment by Amazon (FBA) của Amazon cho biết họ đang thực hiện một chương trình, trong đó công ty sẽ mua các sản phẩm từ các cửa hàng bán buôn thuộc bên thứ 3 ở mức giá bán lẻ, sau đó bán lại cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.

 FBA là một dịch vụ của Amazon. Hiểu nôm na là bạn bán, Amazon Ship. Bạn không cần phải xây dựng một kho hàng và vận chuyển đến khách hàng. Amazon sẽ làm giúp bạn những việc đó. Có nghĩa là bạn chỉ gửi hàng hóa đến kho của Amazon. Họ sẽ giúp bạn bảo quản và quản lý hàng hóa. Khi có đơn hàng Amazon sẽ tự động đóng gói và vận chuyển cho khách hàng.

Chương trình mới này – khá tương tự với một chương trình ở châu Âu – là động thái mới nhất của Jeff Bezos để xây dựng một bảng danh mục sản phẩm hoàn chỉnh, ngay cả khi Amazon không thể thu được lợi nhuận cao trên những sản phẩm đó. Trong một số trường hợp, Amazon đang tiếp cận với các nhà bán buôn thuộc bên thứ 3 sau khi các nhà sản xuất từ chối phân phối hàng hóa thông qua Amazon.

FBA ngày càng lớn mạnh

Với dịch vụ FBA, các nhà bán buôn phải trả một khoản phí để trữ hàng tồn kho ở các trung tâm hậu cần của Amazon và để tận dụng chuỗi cung ứng và nghiệp vụ vận chuyển hàng của công ty này. Đây là một mảng rất lớn của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Amazon: Trong năm 2016, số lượng người bán thuộc FBA trên thế giới đã tăng hơn 70% và họ đã phân phối hơn 2 tỷ món hàng.

Đối với các sản phẩm có nhu cầu cao, Amazon muốn có khả năng phân phối ngay và tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Một phát ngôn viên của Amazon xác nhận về tính tin cậy của lá thư điện tử này và cho biết rằng các nhà bán buôn có thể chọn rời khỏi chương trình mới này bất kỳ thời điểm nào.

“Khi các món hàng không có sẵn ở một khu vực địa lý nào đó, chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn từ một marketplace khác. Điều này cung cấp cho người tiêu dùng một phạm vi lựa chọn rộng hơn về các nhãn hiệu tuyệt vời và giúp các nhà bán lẻ gia tăng doanh số”, phát ngôn viên của Amazon cho biết.

Tuy nhiên, chương trình mới cũng làm nảy sinh các vấn đề tiềm ẩn cho người bán về một số thương hiệu cụ thể.

Chẳng hạn, chính sách của Birkenstock không cho phép các nhà bán lẻ được ủy quyền của họ bán giày xăng-đan cho các nhà bán lẻ khác – bao gồm cả Amazon.

Trong năm 2016, Birkenstock tuyên bố rằng họ sẽ ngừng bán trực tiếp cho Amazon vì các sản phẩm nhái và không thể lọc bỏ ra các nhà phân phối không được ủy quyền. Birkenstock cho phép một số đối tác nhất định bán hàng trên marketplace của Amazon.

Một số nhà bán buôn chỉ bán sản phẩm của Birkenstock đã nhận được thư điện tử từ Birkenstock và chuyển qua cho hãng in CNBC. Trong một báo cáo, Giám đốc điều hành của Birkenstock tại Mỹ, David Kahan, cho biết bất kỳ cửa hàng bán sản phẩm Birkenstock tham gia vào chương trình của Amazon sẽ vi phạm thỏa thuận với công ty này.

Ông Kahan nói rõ: “Nếu Amazon cố gắng nài nỉ các cửa hàng đại diện của chúng tôi để mua lấy sản phẩm từ các cửa hàng này và rồi có thể bán lại các sản phẩm đó, thì điều đó sẽ gây ra một lỗi vi phạm nghiêm trọng đến thỏa thuận với các đối tác bán lẻ hiện tại của chúng tôi. Nếu đây là một trường hợp xảy ra trên thực tế thì chúng tôi sẽ lập tức hành động với bất kỳ cửa hàng nào vi phạm thỏa thuận”.

Trong năm 2016, Amazon đã cho ra đời FBA ở khu vực châu Âu, qua đó cho phép các nhà bán buôn bán sản phẩm của họ ở khu vực này và có lượng hàng tồn kho dự trữ tại bất kỳ trung tâm hậu cần nào ở châu Âu mà không tốn thêm bất kỳ khoản chi phí nào./.