Nhiều quỹ đầu tư tranh thủ thoái hàng

Chuyển động quỹ đầu tư tuần 15/07-21/07/2017:

Nhiều quỹ đầu tư tranh thủ thoái hàng

Sau 2 tuần giao dịch trầm lắng với khối lượng mua bán chỉ dừng ở mức vài triệu cổ phiếu, tuần qua giao dịch quỹ đầu tư đã khởi sắc hơn.

Ưu thế nghiêng về các giao dịch bán và chuyển nhượng cổ phiếu của các quỹ đầu tư. Nếu như cổ phiếu vừa và nhỏ hút tiền quỹ đầu tư thời gian trước, thì tuần qua dòng tiền lại ồ ạt rút khỏi nhóm cổ phiếu này; điển hình tại các mã NBB, VNE, DHG, PVR,…

Tổng hợp giao dịch quỹ đầu tư công bố trong tuần 15/07 – 21/07/2017

Sau C21, hai quỹ đầu tư thuộc Saigon Asset Management (SAM) là Vietnam Property HoldingVietnam Equity Holding tiếp tục sang tay thỏa thuận cho nhau 7.01% vốn của Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), tương đương gần 4.1 triệu cp trong ngày 13/07.

Như vậy, Vietnam Property Holding đã rút hết vốn tại NBB, trong khi Vietnam Equity Holding nâng sở hữu tại công ty này lên 9.4% (5.5 triệu cp). Vietnam Equity Holding đồng thời gom vào thành công hơn 1.7 triệu cp Nhà Thủ Đức (TDH) cùng ngày 13/07, nâng tỷ lệ sở hữu lên 6.15% từ mức 4.01% trước đó. Sau giao dịch, Vietnam Equity Holding trở thành cổ đông lớn của cả NBB và TDH.

Cũng trong ngày 13/07, nhóm quỹ FTIF - Templeton Frontier Markets Fund bán ra gần 700,000 cp Dược Hậu Giang (DHG), giảm tỷ lệ sở hữu xuống 10.55% (13.8 triệu cp). Nhóm quỹ này hiện là cổ đông lớn thứ 3 của Dược Hậu Giang sau Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC (28.87%) và Taisho Pharmaceutial Co., Ltd (16.29%).

Nửa đầu năm 2017, doanh thu thuần và lãi trước thuế của DHG lần lượt đạt 1,808 tỷ và 352 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và lần lượt thực hiện 41% và 43% kế hoạch năm. Kết quả lãi ròng ghi nhận 359 tỷ đồng, tăng 17% nhờ nhận được chính sách ưu đãi thuế TNDN tại Nhà máy mới dược phẩm (công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG) và Nhà máy mới bao bì (công ty TNHH MTV In bao bì DHG 1).

Trước đó một ngày (12/07), Dragon Capital Markets Limited thoái hết 1.5 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đang sở hữu.

Trong khi đó, Wareham Group Limited thuộc Dragon Capital lại mua thêm hơn 1 triệu cp Chứng khoán Bản Việt (VCI) cùng ngày, nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm liên quan lên 6.36%. Trước đó, nhóm quỹ Dragon Capital đã gom hàng hơn 1.1 triệu cp VCI và trở thành cổ đông lớn vào ngày 10/07.

Được biết, VCI ước lãi ròng 6 tháng đầu năm thực hiện 60% kế hoạch và tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo cho năm 2018, VCI kỳ vọng doanh thu và lãi sau thuế lần lượt đạt 1,330 tỷ và 544 tỷ đồng với mức tăng trưởng bình quân mục tiêu là 20%/năm. Cổ tức cho năm 2017 và 2018 dự kiến 15%.

Từ ngày 02/03, Pyn Elite Fund (Non-Ucits) đã bán qua sàn gần 1.5 triệu cp và mua qua sàn hơn 380,000 cp VNE, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 8.58% (7.6 triệu cp) sau giao dịch.

Ngoài VNE, từ nửa cuối tháng 11/2016, PYN Elite Fund cũng liên tục thoái vốn tại FIT, SCDDGW. Trước đó, ngày 09/03/2017, PYN Elite Fund đã thoái hơn 1.5 triệu cp FIT sau khi bán ra 3.8 triệu cp hồi đầu tháng 3, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 7.71% (19.63 triệu cp).

Top danh mục đầu tư của PYN Elite Fund tính đến cuối tháng 6/2017

Còn tại PVR, Quản lý quỹ PVI muốn thoái toàn bộ 8.2% vốn, tương đương 4.35 triệu cp từ 23/06 đến 21/07 nhưng bất thành do giá giao dịch chưa đạt kỳ vọng.

Trước đó, thị trường đặt ra nghi vấn số cổ phiếu này sẽ được chuyển nhượng cho Chủ tịch Khúc Thị Thanh Huyền do bà Huyền đăng ký mua 4.35 cp PVR trong cùng khoảng thời gian trên. Tuy nhiên, giao dịch mua của bà Huyền cũng không thành công do không có số lượng kỳ vọng chào bán, vì vậy bà tiếp tục chào mua số cổ phần này từ 11/07-31/07.

Được biết, cổ phiếu PVR bị hủy niêm yết từ ngày 26/05/2017 do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC kiểm toán 2016. Hiện giá giao dịch trên UPCoM của cổ phiếu PVR dừng ở mức 2,200 đồng/cp chốt phiên 21/07./.