TPBank báo lãi ròng nửa đầu năm hơn 470 tỷ đồng

TPBank báo lãi ròng nửa đầu năm hơn 470 tỷ đồng

Nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế của TPBank đạt hơn 477 tỷ đồng, gấp gần 2.5 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu lại tăng lên 0.54% trong khi mức đầu năm là 0.42%.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố BCTC quý 2/2017 với thu nhập lãi thuần hơn 1,300 tỷ đồng, tăng gần 50%. Thu nhập lãi thuần của TPBank gia tăng chủ yếu do tăng thu lãi cho vay, lãi tiền gửi và lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Ngân hàng tăng gấp đôi lên 79 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh lên 148 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ đạt 26 tỷ đồng. Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 cũng lỗ 10 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động của TPBank tăng 34% lên 793 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng tăng 70% lên 225 tỷ đồng.

Theo đó, nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế của TPBank đạt hơn 477 tỷ đồng, gấp gần 2.5 lần cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong quý 2, TPBank ghi nhận 262 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cũng gấp 2.5 lần quý 2/2016.

Tại thời điểm 30/06/2017, tổng tài sản có của TPBank đạt 115,680 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Huy động vốn từ tiền gửi khách hàng đạt hơn 57,000 tỷ đồng, tăng 3%; cho vay khách hàng ghi nhận hơn 53,000 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm.

Về hoạt động cho vay, nợ tồn đọng không có khả năng thu hồi cuối quý 2/2017 của Ngân hàng giảm hơn một nửa xuống 9 tỷ đồng, nhưng nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lại cùng tăng mạnh xấp xỉ 55% lên lần lượt 110 tỷ và 167 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng theo đó tăng lên 0.54%, trong khi mức đầu năm là 0.42%.

Với khoản nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo và không còn đối tượng thu hồi nợ, TPBank cho biết đang thực hiện xử lý trái phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Chính phủ. Một phần được hoán đổi lấy trái phiếu của DATC với kỳ hạn 10 năm và lãi suất cố định 8.9%/năm. Phần còn lại được Ngân hàng trích lập dự phòng trong 5 năm và dùng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng hàng năm.

Phân tích chất lượng nợ vay tại thời điểm 30/06/2017