Ấn Độ hạ lãi suất khi nhận thấy nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy đầu tư

Ấn Độ hạ lãi suất khi nhận thấy nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy đầu tư

Ấn Độ hạ lãi suất xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang khó khăn để phục hồi trở lại từ lúc Thủ tướng Narendra Modi ra quyết định loại bỏ 86% tiền giấy ra khỏi lưu thông hồi năm 2016, Bloomberg cho hay.

 

Cụ thể, trong ngày thứ Tư, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã hạ lãi suất tái cấp vốn của Ấn Độ từ mức 6.25% xuống 6%. Động thái này cũng trùng khớp với dự đoán của 41 chuyên gia kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg. RBI vẫn duy trì lập trường chính sách trung lập.

Trong 6 thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ thì có tới 5 người ủng hộ hạ lãi suất và kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh các dự án vì có một nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy hoạt động đầu tư tư nhân. Việc giảm lãi suất có thể là cơ hội cuối cùng của Thống đốc Urjit Patel để thúc đẩy tăng trưởng trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán, qua đó gia tăng áp lực thắt chặt tiền tệ lên các thị trường mới nổi.

Với việc lạm phát chưa tăng lên phạm vi mục tiêu, RBI cho rằng vẫn còn khả năng để nới lỏng chính sách tiền tệ dựa trên sự biến động của chênh lệch sản lượng (output gap).

Một số điểm quan trọng trong tuyên bố của RBI:

  • Lặp lại dự báo lạm phát trong giai đoạn tháng 4-9/2017 là từ 2-3.5%, đồng thời tăng dự báo lên mức 3.5-4.5% trong 6 tháng tiếp theo.
  • Duy trì dự báo tổng lượng giá trị gia tăng sẽ tăng trưởng 7.3% trong năm tính tới tháng 3/2018.
  • Có một nhu cầu cấp thiết để vực dậy hoạt động đầu tư tư nhân, vốn phụ thuộc chủ yếu vào các cơ quan Chính phủ để đẩy nhanh các dự án.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Ấn Độ có thời gian đáo hạn là tháng 5/2027 tăng 0.01% lên 6.45%, dựa trên giá từ hệ thống giao dịch của RBI. Đồng Rupee nới rộng đà tăng, cụ thể tiến 0.5% lên 63.79 đổi 1 USD. Chỉ số chứng khoán chuẩn giảm.

Sujan Hajra, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Anand Rathi Financial Services ở Mumbai, cho hay: “Các đợt cắt giảm thêm sẽ được quyết định dựa trên dữ liệu. Nếu lạm phát tiếp tục duy trì ở mức khiêm tốn thì nhiều khả năng sẽ có thêm 1 đợt cắt giảm lãi suất nữa vào cuối tháng 12/2017”.

Sự thay đổi mẫu hình

Động thái trên diễn ra sau khi Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Modi, Arvind Subramanian, nhận định Ấn Độ đang trải qua sự chuyển đổi mẫu hình về giá và đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách suy ngẫm “rất, rất cẩn thận” về mức lạm phát thấp kỷ lục và sản lượng công nghiệp thấp trong tháng trước.

Theo ước tính trung bình trong cuộc thăm dò của Bloomberg, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1.5% trong tháng 6 và sẽ khép lại năm 2017 ở mức quanh mục tiêu lạm phát trung hạn của RBI là 4%. Các chuyên gia kinh tế cũng hạ thấp dự báo tăng trưởng quý trước khi tăng trưởng tín dụng xuống gần mức thấp kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sau khi ông Modi bất ngờ loại bỏ 86% tiền giấy ra khỏi lưu thông trong năm 2016.

Kết quả của cuộc thăm dò của Bloomberg được công bố hồi cuối tháng 7 dự báo lãi suất cấp vốn của Ấn Độ sẽ ở mức 6% ít nhất là đến cuối năm 2018. Ngoài ra, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6.9% trong giai đoạn tháng 4-6/2017, thay vì mức ước tính 7% trước đó. Các nhà phân tích đã dự báo sai trong quý trước. Cụ thể, họ dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7.1%, nhưng thực tế thì nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 6.1%. Mặc dù vẫn là mức tăng trưởng mạnh, nhưng con số này không đủ để tạo ra việc làm cho hàng triệu người dân Ấn Độ gia nhập vào lực lượng lao động mỗi tháng./.