Sóng giao dịch quỹ đầu tư tại các “ông lớn” vẫn chưa dừng lại

Chuyển động quỹ đầu tư tuần 29/07-04/08/2017:

Sóng giao dịch quỹ đầu tư tại các “ông lớn” vẫn chưa dừng lại

Lộc Trời (LTG), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Ngân hàng Á Châu (ACB) là những cổ phiếu được quỹ đầu tư mua bán nhiều nhất tuần qua (29/07-04/08).

Ngày 25/07, Vietnam Azalea Fund (VAF) do Mekong Capital quản lý, là cổ đông lớn của Tập đoàn Lộc Trời, đã rút vốn ngay khi cổ phiếu này lên sàn UPCoM (24/07). Số lượng cổ phiếu bán ra hơn 3 triệu cp (tương đương 75% khoản đầu tư của Mekong Capital) với giá 68,000 đồng/cp. VAF cho biết thu về khoảng 9.2 tỷ USD sau thương vụ này.

Quỹ VAF đã đầu tư 4.4 triệu USD vào Lộc Trời hồi tháng 12/2008.

Mới đây, LTG đã được niêm yết trên UPCoM vào ngày 24/07/2017 với giá trị công ty đạt 174.8 triệu USD cuối ngày giao dịch đầu tiên.

Ngoài ra, VAF cũng đã ký một thỏa thuận bán nốt 25% khoản đầu tư của mình tại Lộc Trời với mức giá 68,000 đồng/cp và cam kết này sẽ được hoàn thành trước cuối tháng 9/2017. Hiện giá cổ phiếu LTG đang dừng mức 57,300 đồng/cp.

Về VAF, quỹ được khai trương vào tháng 6/2007 và quản lý 64 triệu USD vốn cam kết, tập trung vào các khoản đầu tư vào các công ty chưa niêm yết. Quỹ đã thực hiện 7 khoản đầu tư bao gồm PNJ, FPT, Intresco, Nam Long, Masan Consumer, Lộc Trời và Traphaco. Sau khi thoái vốn khỏi Lộc Trời, Traphaco sẽ là khoản đầu tư còn lại duy nhất của quỹ. Một yếu tố có thể lý giải cho việc VAF nhanh chóng thoái vốn khỏi các doanh nghiệp còn lại do quỹ này nắm giữ là hiện sắp đến thời điểm đóng quỹ. VAF thành lập từ năm 2007 và thời gian hoạt động của quỹ là 10 năm.

Từ 17/07 đến 28/07, hai cổ đông chiến lược của ACB là Standard Chartered APR LimitedDragon Financial Holdings Limited đã bán thành công lần lượt 626,343 cp và 328,837 cp của Ngân hàng. Trước đó, Dragon Financial Holdings Limited cho biết việc thoái vốn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ACB.

Được biết, Standard Chartered trở thành cổ đông chiến lược của ACB từ giữa năm 2005. Còn Dragon Financial Holdings trở thành đối tác chiến lược ACB vào năm 1997, đại diện là ông Dominic Timothy Charles Scriven tham gia vào HĐQT Ngân hàng từ tháng 4/2015. Ông Dominic hiện đồng thời là Giám đốc Dragon Financial Holdings Limited và Ủy viên HĐQT tại ACB.

Cơ cấu cổ đông ACB cuối năm 2016 cho thấy tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài đã kín (30%). Bốn cổ đông lớn của ACB đều là các nhà đầu tư nước ngoài gồm Standard Chartered APR Ltd (8.77%), Connaught Investors Ltd (7.26%); Dragon Financial Holdings (6.81%) và Standard Chartered (Hong Kong) (6.23%).

Giá cổ phiếu ACB đến nay đã tăng gần 36% so với đầu năm 2017, chốt phiên 04/08 dừng ở mức 25,800 đồng/cp.

Tổng hợp giao dịch quỹ đầu tư công bố trong tuần 29/07-04/08/2017

Sau hàng loạt các cổ phiếu “hot” như MWG, VGC, PVS, VCI, nhóm quỹ Dragon Capital tiếp tục gom thêm hơn 780,000 cp PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận trong ngày 31/07, nâng sở hữu lên 5.51% vốn (gần 6 triệu cp PNJ).

Trước đó, Dragon Capital cùng nhiều quỹ ngoại vừa rót thêm gần 1,000 tỷ đồng vào đợt phát hành riêng lẻ 9.83 triệu cp PNJ chào bán từ 13/06 đến 14/07, mức giá bình quân gia quyền là 100,880 đồng/cp. Riêng nhóm quỹ Dragon Capital mua vào tổng cộng 2.9 triệu cp PNJ trong đợt này, ước tính số tiền bỏ ra hơn 290 tỷ đồng.

Sau đợt phát hành riêng lẻ này, vốn điều lệ PNJ tăng lên 1,081 tỷ đồng, tương ứng 108.1 triệu cp lưu hành. Kết thúc phiên giao dịch 04/08, thị giá PNJ đạt 107,500 đồng/cp, tăng hơn 62% so với thời điểm đầu năm (tính theo giá điều chỉnh).

Trong hai ngày 28/07 và 31/07, AFC Vietnam Fund mua vào thành công 46,200 cp DAD và 62,858 cp SMT, nâng tỷ lệ sở hữu lên lần lượt 12% và 19%.

Với Asean Deep Value Fund, sau khi chỉ gom được 37,200 cp API trên 100,000 cp đăng ký mua do giá cao hơn dự kiến, quỹ này tiếp tục đăng ký mua 75,000 cp API từ nay đến cuối tháng 8/2017./.