Sóng “thoái lui” của các quỹ đầu tư

Chuyển động quỹ đầu tư tuần 12/08-18/08/2017:

Sóng “thoái lui” của các quỹ đầu tư

Mặc dù chưa để lại nhiều dấu ấn nhưng giao dịch quỹ đầu tư tuần qua đã bắt đầu khởi sắc hơn sau một thời gian lặng sóng.

Ưu thế nghiêng hẳn về bên bán. Thế giới di động (MWG) là cổ phiếu có khối lượng được đăng ký bán và chuyển nhượng lớn nhất tuần qua với 3.2 triệu cp. Kế đến là những đợt thoái hàng của quỹ nội tại SSC, PTC và Lâm nghiệp Sài Gòn với khối lượng giao dịch từ 1.3 triệu đến gần 2 triệu cp.

Tổng hợp giao dịch quỹ đầu tư công bố trong tuần 12/08 – 18/08/2017

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 23/08-21/09, Mekong Enterprise Fund II Ltd đăng ký bán 3 triệu cp MWG thông qua thỏa thuận trên sàn hoặc qua Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD). Tỷ lệ sở hữu sau giao dịch dự kiến giảm từ 3.58% (11 triệu cp) xuống 2.6% (8 triệu cp).

Mekong Enterprise Fund II Ltd đã có 10 năm đầu tư vào Thế giới di động. Việc chuyển nhượng lần này nằm trong chiến dịch thoái vốn từng phần của quỹ tại MWG bắt đầu từ tháng 9/2016, tại thời điểm đó quỹ này nắm giữ 13.54 triệu cp MWG.

Được biết, sau khi sang tay hơn 1 triệu cp MWG cho một nhóm quỹ ngoại khác vào giữa tháng 4/2017 và không còn là cổ đông lớn, Mekong Enterprise Fund II Ltd đã chuyển nhượng thành công ngoài hệ thống thông qua Trung tâm lưu ký 3 triệu cp MWG cho 4 tổ chức vào ngày 14/06 trước khi đăng ký bán tiếp đợt này.

Ngày 16/08 vừa qua, Optis Global Opportunities Fund Ltd cũng đã trao tay 200,000 cp MWG cho SR Global Fund L.P. - Frontier Portfolio. Trước đó, thị trường từng chứng kiến 2 triệu cp MWG được CDH Electric Bee Limited chuyển nhượng cho Dragon Capital hồi cuối tháng 7/2017.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Thế giới di động ghi nhận mức doanh thu thuần hơn 31,240 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ; trong đó chuỗi Điện máy Xanh đạt tốc độ tăng trưởng 140% lên 13,381 tỷ đồng. Lãi ròng sau thuế của Công ty gần 1,070 tỷ đồng, tăng 28%. Nếu tính theo giá điều chỉnh, cổ phiếu MWG đã tăng 175% giá trị so với thời điểm đầu năm 2016 và dừng ở mức 105,600 đồng/cp (chốt phiên giao dịch 18/08/2017).

Các giao dịch bán còn lại trong tuần hầu hết thuộc về quỹ nội, điển hình như Quản lý quỹ IB thoái toàn bộ 2 triệu cp Lâm nghiệp Sài Gòn (16.85%) và VietinBank Capital thoái 1.35 triệu cp PTC (7.54%) lần lượt trong hai ngày 02/08 và 18/08.

Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cũng đăng ký bán gần 1.35 triệu cp SSC trong một tháng từ 14/08-12/09 nhưng đã hoàn tất ngay trong ngày 14/08, ước thu về hơn 86.2 tỷ đồng nếu tính theo giá đóng cửa cổ phiếu SSC chốt phiên ngày 14/08 (64,000 đồng/cp).

Còn Asean Deep Value Fund, quỹ này tiến hành bán ra tổng cộng gần 600,000 cp APSIDJ trong hai ngày 08-09/08, giảm tỷ lệ sở hữu xuống lần lượt 13.67% và 4.17%. Cả hai cổ phiếu APS và IDJ hiện đều nằm trong diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán năm 2013 là số âm và chưa được cải thiện cho đến nay.

Ở chiều ngược lại, ngày 09/08, Đầu tư cơ hội PVI (Quỹ POF) gom vào 408,677 cp Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh, tương đương 5.11% và trở thành cổ đông lớn. Trước đó, POF không sở hữu cổ phiếu nào của Công ty này.

AFC Vietnam Fund mua thêm 6,900 cp HCT trong ngày 04/07, nâng tỷ lệ sở hữu lên 21.04% (424,200 cp). AFC Vietnam Fund bắt đầu gom hàng liên tục cổ phiếu HCT từ cuối tháng 12/2013, số lượng mỗi lần gom chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn cổ phiếu. Hiện quỹ này là một trong 5 cổ đông lớn nhất tại HCT./.