TTCK Hồng Kông chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh nhất trong năm 2017

TTCK Hồng Kông chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh nhất trong năm 2017

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016, và mức biến động nhảy vọt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên Triều Tiên, Bloomberg cho hay.

 

Chỉ số Hang Seng lùi hơn 2%, qua đó nâng tổng mức giảm trong tuần lên 2.5% – tuần lao dốc mạnh nhất kể từ giữa tháng 12/2015. Trong đó, Tencent Holdings sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016, khi nhà đầu tư thực hiện chốt lời. Chỉ số biến động HSI Volatility Index, vốn đo lường sự biến động giá của chỉ số Hang Seng, leo dốc 16%, tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2016. Vào ngày thứ Sáu, chỉ số Hang Seng China Enterprises Index và Shanghai Composite đều giảm mạnh nhất trong năm nay.

“Tất cả nhà đầu tư đang gào thét, tìm lối thoát khỏi thị trường”, Andrew Clarke, Giám đốc giao dịch tại Mirabaud Asia ở Hồng Kông, cho hay. “Hồng Kông từ lâu đã là một thị trường để dồn tất cả vốn vào hoặc rút tất cả vốn ra (all in or all out) – trường hợp này là các khách hàng bán lẻ đang chốt lời mạnh (rút vốn ra)”.

Tencent, vốn đã nhảy vọt 74% trong năm 2017, nay lại giảm 4.9% sau một làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ ở Mỹ và khi công ty đang bị kiểm tra xem có vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Các công ty có thành quả vượt trội khác trong năm nay cũng đang hãm lại đà tăng, cụ thể Geely Automobile Holdings và AAC Technologies Holdings giảm ít nhất 3.8%. Hong Kong Exchanges & Clearing (HKEX) nới rộng đà lao dốc.

Thị trường cổ phiếu toàn cầu đang rơi vào vòng xoáy sụt giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát đi một lời cảnh báo khác tới Triều Tiên. Cụ thể, ông Trump đã cam kết đáp trả lại bất kỳ cuộc tấn công nào tới nước Mỹ hoặc đồng minh. Trong ngày thứ Năm, chứng khoán Mỹ cũng bị bán tháo mạnh nhất kể từ tháng 5/2017, qua đó châm ngòi cho làn sóng phòng ngừa trên thị trường quyền chọn.

Nhà đầu tư từ Trung Quốc cũng thực hiện chốt lời đối với các cổ phiếu Hồng Kông thông qua mối liên kết giao dịch. Họ đã rút ròng 1.2 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 180 triệu USD) khỏi thị trường trái phiếu thông qua mối liên kết Thượng Hải và Thâm Quyến, mức rút vốn mạnh nhất kể từ ngày 08/12/2016, dữ liệu tổng hợp bởi Bloomberg cho thấy. Đây là lần bán ròng thông qua Thâm Quyến đầu tiên kể từ khi phát động chương trình vào đầu tháng 12/2016.

  • Tencent là công ty tác động tiêu cực nhất đến Hang Seng. Richard Ko, Chuyên gia phân tích ở China Merchants Securities, nhận định nhà đầu tư chốt lời sau làn sóng bán tháo ở Mỹ và để tránh sự bất ổn về lợi nhuận doanh nghiệp.
  • Chỉ số đo lường các công ty công nghệ thuộc Hang Seng giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016, trong đó BYD Electronic International và IGG trượt dốc hơn 7%.
  • HKEX sụt 3.1%, qua đó nâng tổng mức giảm trong tuần lên 7.2% – tuần lao dốc mạnh nhất trong gần 2 năm. Khối lượng giao dịch ở Hồng Kông nhiều khả năng sẽ giảm, Jerry Li, Chuyên gia phân tích ở China Merchants Securities, cho hay.
  • Khối lượng giao dịch các cổ phiếu thuộc Hang Seng cao hơn 76% so với mức bình quân 30 ngày, dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg cho thấy.
  • Tại Trung Quốc đại lục, các công ty nguyên vật liệu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số CSI 300 Index, trong đó Jiangxi Copper và Aluminum Corp. of China sụt hơn 9.4%. Được biết, nhóm này đã nhảy vọt 23% trong năm nay, gấp đôi so với chỉ số chính. Các cổ phiếu nguyên vật liệu cũng dẫn đầu đà sụt giảm ở Hồng Kông.
  • Cổ phiếu Ping An Bank lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 9/2015 với 5.7%, sau khi báo cáo lợi nhuận cho thấy có ít sự cải thiện trong chất lượng tài sản và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) ngày càng giảm. Shanghai Composite và Shenzhen Composite đều giảm 1.6%, còn Hang Seng China Enterprises Index và CSI 300 Index đều mất 1.9%./.