Bảo hiểm y tế: Dù khéo co vẫn khó ấm

Bảo hiểm y tế: Dù khéo co vẫn khó ấm

Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết sáu tháng đầu năm 2017, cả nước chi khám chữa bệnh hơn 41.000 tỉ đồng, vượt 6.500 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có những biện pháp quyết liệt thì dự kiến năm 2017 bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) có thể lên trên 10.000 tỉ đồng và tiêu hết khoản dự phòng (vỡ quỹ) vào năm 2020. Vỡ quỹ, ai sẽ là người chịu thiệt, người giữ quỹ phải cân đối tiêu xài ra sao cho hợp lý, làm sao để các bên không mâu thuẫn nhau...

TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, xung quanh vấn đề này.

Việc đóng bảo hiểm theo thu nhập thực tế của người lao động sẽ giúp cân đối được quỹ và cũng đảm bảo quyền lợi cao hơn cho người lao động. Ảnh: Đào Loan.

Chi gần 12.000 tỷ đồng quản lý bảo hiểm 

TBKTSG: Theo ông, làm thế nào để chi tiêu hợp lý nguồn quỹ BHYT trong giai đoạn nguồn quỹ đang ngày càng khó khăn?

- Ông Cao Văn Sang: Đến nay, TPHCM vẫn cân đối được nguồn quỹ BHYT vì mức đóng tính trên lương của người lao động ở TPHCM cao hơn các tỉnh khác, với 2,2 triệu người đang làm việc và tham gia đóng BHYT.

Mấy năm gần đây, nhiều người phê phán BHXH nói chung và BHXH TPHCM nói riêng lo giữ, siết quỹ quá nên người bệnh thiệt thòi. Không phải vậy! Hiện nay, mức chi bình quân một lần khám chữa bệnh tại TPHCM cao nhất trên cả nước, sử dụng thuốc biệt dược gốc chiếm tỷ lệ cũng cao nhất cả nước.

TBKTSG: Nguyên nhân của việc bội chi, đe dọa vỡ quỹ BHYT hiện nay là gì, thưa ông?

- Tổng nguồn thu về cơ bản trong vài năm tới sẽ không đổi, vẫn ở mức 4,5% lương. Lương cơ sở mỗi năm tăng một ít, tiền lương hiện nay doanh nghiệp kê không đúng lắm, nếu mức đóng có tăng cũng dựa vào mức lương tối thiểu vì vậy mà nguồn thu tăng không đáng kể.

Thứ hai là dù số người tham gia tăng, 1,4 triệu người, nhưng những người này không có việc làm, đóng theo mức hộ gia đình và nếu có đóng cũng dựa trên mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng. Trong trường hợp này thì càng nhiều người đóng, quỹ càng thiếu.

Thứ ba là Nhà nước đang điều chỉnh giá viện phí và sẽ không còn bao cấp cho hệ thống bệnh viện vì thế gánh nặng lên BHYT càng lớn, một bên thì thu tăng không đáng kể, bên chi lại tăng quá lớn.

Bên cạnh đó, là chuyện doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH, đưa nhau ra tòa kiện cũng không trả thì bảo hiểm làm gì được.

BHXH Việt Nam nói rằng có nhiều nguyên nhân gây bội chi, trong đó nguyên nhân chủ quan là do lạm dụng quỹ BHYT. Nói vậy là chưa đúng hoàn toàn. Bởi, không phải trong năm 2017 người ta mới gian lận, lạm dụng đột xuất, mà theo tôi nhờ BHXH ngày càng quản lý chặt hơn, có sự thông tin thông suốt giữa các cơ quan quản lý và sử dụng quỹ nên mới phát hiện các trường hợp trục lợi. Lạm dụng quỹ là việc cần phải ngăn chặn, nhưng phải thấy rằng quỹ thiếu hụt là do Thông tư 37 (tăng viện phí) và chúng ta phải chấp nhận sự thật khách quan đó. Tóm lại, cái gốc gây ra bội chi là do tăng giá viện phí!

Cũng xin nói thêm, với mức đóng dựa trên lương cơ sở như hiện nay trong khi lại tăng chi thì có nguy cơ vỡ quỹ. Nhưng nếu nguồn thu là 4,5% của thu nhập 8-10 triệu đồng chắc chắn sẽ ổn hơn mức thu trên lương căn bản 1,3 triệu đồng. Việc đóng bảo hiểm theo thu nhập thực tế của người lao động sẽ giúp cân đối được quỹ và cũng đảm bảo quyền lợi cao hơn cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu.

Theo cơ quan BHXH Việt Nam, kể từ đầu năm 2018, mức đóng BHXH sẽ căn cứ trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản khác theo Luật BHXH 2014. Nói vậy, nhưng bản chất không phải hoàn toàn thu theo thu nhập chính thức của người lao động mà chỉ là những khoản như thưởng ngoài giờ và một số khoản khác mà thôi...

http://www.thesaigontimes.vn/165035/Bao-hiem-y-te-Du-kheo-co-van-kho-am.html