Chuyện ngân hàng tìm cổ đông ngoại: Gió đã đổi chiều?

Chuyện ngân hàng tìm cổ đông ngoại: Gió đã đổi chiều?

Dường như gió đã đổi chiều. Câu chuyện cổ đông chiến lược nước ngoài lần lượt thoái vốn khỏi ngân hàng Việt đang được thay thế bởi luồng thông tin mới: Khóa room ngoại – chờ đối tác!

 

Cách đây không lâu rộ lên hàng loạt thông tin về nhiều đối tác chiến lược nước ngoài lâu năm thực hiện rút các khoản đầu tư hoặc thể hiện ý định “chia tay” ngân hàng Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) đã thoái xong toàn bộ hơn 172 triệu cp (19.4% vốn) tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) sau 12 năm chung đường. Hiện Techcombank thuần 100% sở hữu của cổ đông trong nước.

Commonwealth Bank Group (CBA) cũng đã công bố chuyển nhượng hoạt động của chi nhánh CBA TPHCM cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vào đầu tháng 07/2017.

Với Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB), cổ đông chiến lược Standard Chartered có tổng tỷ lệ nắm giữ gần 15% vốn cũng đang rục rịch thoái lui. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của ACB, Standard Chartered cho biết đã có thảo luận về việc bán cổ phần các ngân hàng ở châu Á, trong đó có ACB và đã rút bớt một người đại diện ra khỏi HĐQT (hiện còn một đại diện là ông Andrew Colin Vallis – Phó Chủ tịch HĐQT ACB). Vào cuối tháng 7/2017, một đơn vị liên quan trong nhóm Standard Chartered là Standard Chartered APR Limited đã bán bớt hơn 600,000 cp ACB.

Tuy nhiên, một diễn biến hoàn toàn trái ngược đang xuất hiện trong thời gian gần đây. Một vài ngân hàng thương mại đang khóa room ngoại để dành chỗ đón nhà đầu tư nước ngoài.

Như trường hợp của Techcombank, ngân hàng vừa công bố xin ý kiến cổ đông về việc tạm thời khóa tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại ở mức 0% nhằm chủ động được trong việc tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Chưa rõ phương án tìm kiếm đối tác ngoại của Techcombank như thế nào nhưng trước mắt Ngân hàng đã công bố kế hoạch phát hành gồm 2 đợt. Đợt 1, chào bán 70 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 30,000 đồng/cp và đợt 2 là 430 triệu cp nhưng chưa công bố đối tượng phát hành.

* Vì sao Techcombank tạm thời chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài 0%?

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, LPB) cũng đang xin ý kiến cổ đông về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại mức 5% vốn. LienVietPostBank cho biết dự kiến lên sàn UPCoM vào cuối tháng 9/2017, nếu dành hết tỷ lệ tối đa 30% cho khối ngoại thì khả năng sẽ có các nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ mua vào cổ phiếu LPB. Trong khi đó, HĐQT LienVietPostBank đang chuẩn bị đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nên phải chủ động dành một tỷ lệ vốn điều lệ từ 10% trở lên cho đối tác lớn đầu tư. Trước đó, vào giữa tháng 6/2017, CTCP Him Lam vừa thoái toàn bộ 15% vốn tại LienVietPostBank.

Mới đây, theo báo cáo phân tích của CTCK VCBS, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) đạt được thỏa thuận bán một phần vốn cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Keb Hana Bank của Hàn Quốc.

Hồi cuối tháng 4/2017, ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, HNX: NVB) đã thông qua phương án tăng vốn thêm 3,000 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu chuyển đổi và thu hút thêm các cổ đông chiến lược. Các đại diện từ HĐQT NCB cho biết tại Đại hội, chủ trương tăng vốn là bước đệm chuẩn bị cho việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Động thái khóa room ngoại của các ngân hàng tuy chưa rõ là sự chủ động của ngân hàng nội địa nhằm đón đầu cơ hội nếu có hay các ngân hàng này đã khoanh vùng được nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng nhưng cũng phát những tín hiệu mới cho ngành./.