Cổ phiếu rớt gần 2 điểm sau vụ cháy, Nhựa Tiền Phong nói gì?

Cổ phiếu rớt gần 2 điểm sau vụ cháy, Nhựa Tiền Phong nói gì?

Sau sự cố bị cháy xưởng sản xuất ống nhựa PE vào tối ngày 18/09, phiên giao dịch ngày 19/09 giá cổ phiếu CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) đã giảm hơn 2.6% về mức 67,200 đồng/cp.

Hải Phòng: Cháy lớn tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong

Theo NTP, vụ cháy bắt đầu từ khoảng 18h50' ngày 18/09, tại bãi tạm chứa sản phẩm ngoài trời của Công ty tại Nhà máy sản xuất ở quận Dương Kinh (Hải Phòng). Diện tích cháy khoảng 500 m2. Theo thống kê sơ bộ sáng ngày 19/09, vụ cháy đã làm cháy khoảng 20 cuộn ống sản phẩm với giá trị thiệt hại ước tính khoảng 300 triệu đồng. Hiện Công ty vẫn đang trong quá trình thống kê, sẽ cập nhập tình hình thất thoát sau.

Được biết, đám cháy diễn ra tại bãi chứa sản phẩm ngoài trời nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường.

Giá cổ phiếu NTP ngay lập tức giảm gần 2 điểm

Phiên giao dịch 19/09, giá cổ phiếu NTP giảm 1.8 điểm, tương đương 2.6% về mức 67,200 đồng/cp. Lượng giao dịch đạt hơn 13,000 cổ phiếu/phiên, tuy không lớn nhưng so với con số 4,400 cổ phiếu phiên hôm qua (18/09) thì đã đạt mức tăng hơn 195%.

Biến động giao dịch cổ phiếu NTP một năm qua

Trên thị trường, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu NTP mặc dù đang trong xu hướng tăng song không có gì nổi bật. Trung bình 8 tháng đầu năm giá tăng hơn 5.6%, từ mức 63,600 đồng/cp (03/01) tăng lên mức 67,200 đồng/cp. Khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 18,000 cổ phiếu/phiên.

Giữa tháng 6 năm nay, NTP đã phân phối thành công gần 15 triệu cổ phiếu cho 1,527 cổ đông nhằm tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ sau đợt phát hành tăng từ 744 tỷ lên hơn 892 tỷ đồng. Song thanh khoản cổ phiếu NTP vẫn không mấy nổi bật!

* NTP: Đã phân phối 15 triệu cp tăng vốn lên hơn 892 tỷ đồng

Vẫn còn vướng mắc công tác nới room ngoại

Nói về NTP, bài toán nan giải được nêu ra tại ĐHĐCĐ 2017 chính là việc nới room nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 30% vốn điều lệ tại Công ty, vẫn chưa hết room là 49%.

So sánh với doanh nghiệp cùng ngành là Nhựa Bình Minh (BMP), mặc dù cũng trải qua rất nhiều khó khăn trong công tác nới room ngoại do vướng phải lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, song đến nay BMP cũng đã hoàn tất nới room ngoại lên 100%. Còn với NTP, do ngành nghề kinh doanh bất động sản là ngành nghề có điều kiện, nên nếu NTP muốn nới room ngoại lên 65% phải dừng Dự án số 2 An Đà. Khi đó, dự án sẽ bị thu hồi và Công ty sẽ chịu thiệt hại lớn.

Cũng tại ĐHĐCĐ 2017, cổ đông Công ty có thắc mắc về lộ trình thoái vốn của SCIC, chủ trương có từ năm ngoái song đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì thêm. Trả lời vấn đề này, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, SCIC đã báo cáo và được Bộ Tài chính đồng ý phương án thoái vốn tại 137 doanh nghiệp trong năm 2017, trong đó bao gồm NTP. Thời gian tới phương án thoái vốn này sẽ được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cơ cấu cổ đông NTP tính đến ngày 31/12/2016

Về hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2013-2016 doanh thu và lãi ròng Công ty tăng trưởng khá đều đặn với tốc độ trung bình lần lượt đạt 21% và 11%. Song, biên lợi nhuận lại cho thấy một sự suy giảm nhẹ, từ mức 11.7% (2013) về mức 9.1% năm 2016.

6 tháng đầu năm 2017, Công ty đạt 2,053 tỷ đồng doanh thu và 202 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. So với kế hoạch doanh thu là 4,880 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 455 tỷ đồng, nửa đầu năm NTP lần lượt thực hiện được 42% và 51% (lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm Công ty đạt 232 tỷ đồng).

Tài liệu đính kèm:
1.NTP_2017.9.19_b95834c_Cong_bo_thong_tin_vu_chay_bai_tam_chua_san_pham.pdf