Fed thông qua kế hoạch giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 10/2017

[Bài cập nhật] 

Fed thông qua kế hoạch giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 10/2017

  • Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 1-1.25%
  • 12 trong số 16 thành viên FOMC dự báo sẽ có thêm 1 đợt nâng lãi suất trong năm 2017

Vào lúc 1h sáng ngày thứ Năm (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố thông qua kế hoạch cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 10/2017, qua đó đánh dấu bước đi đầu tiên để tháo gỡ các gói kích thích đã bơm vào nền kinh tế trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, CNBC đưa tin.

Được biết, số dư 4.5 ngàn tỷ USD trên bảng cân đối kế toán Fed bao gồm chủ yếu là trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp.

Cũng tại cuộc họp chính sách này, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1-1.25%, đồng thời cho biết có thể nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Theo các dự báo mới nhất thì nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm 2018 và 2 lần trong năm 2019.

Chương trình giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán chỉ được đề cập ngắn gọn ở gần cuối bản báo cáo được công bố sau cuộc họp chính sách của Fed. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) chỉ tuyên bố rằng chương trình bình thường hóa bảng cân đối kế toán, vốn đã được phát thảo sơ bộ hồi tháng 6/2017, sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới.

Đây là lần đầu tiên Fed cung cấp lộ trình chính thức cho chương trình bình thường hóa bảng cân đối kế toán. Thay vì tái đầu tư toàn bộ số tiền từ danh mục trái phiếu khổng lồ, Fed sẽ cho phép thoái vốn một lượng giới hạn mỗi tháng. Chương trình sẽ bắt đầu ở mức thoái vốn là 10 tỷ USD/tháng và sau mỗi 3 tháng, sẽ tăng thêm 10 tỷ USD cho đến khi đạt mức 50 tỷ USD.

Các thành viên của FOMC đều nhất trí với quyết định giữ nguyên lãi suất và thông qua kế hoạch cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán.

Số dư trên bảng cân đối kế toán đã gia tăng khi Fed bắt đầu tung ra các gói nới lỏng định lượng (QE) trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất năm 2008. Định hướng lúc đầu của chương trình QE này là giữ lãi suất thế chấp ở mức thấp, và sau đó là hạ lãi suất ngắn hạn và cung cấp thanh khoản cho nền kinh tế. Giá chứng khoán Mỹ đã nhảy vọt trong suốt 3 giai đoạn của chương trình QE, mặc dù tăng trưởng kinh tế vẫn tương đối mờ nhạt.

Trong các dự báo kinh tế định kỳ hàng quý, các thành viên của FOMC cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ mạnh hơn một chút so với trước đây. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Mỹ được kỳ vọng ở mức 2.2%, cao hơn dự báo tăng trưởng 2.1% hồi tháng 6/2017. Trong khi đó, họ dự báo tăng trưởng GDP dài hạn vẫn ở mức 1.8%.

Bên cạnh đó, Fed còn hạ triển vọng lạm phát. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương này giảm bớt kỳ vọng về lạm phát từ 1.7% xuống 1.5% trong năm 2017, và từ 2% xuống 1.9% trong năm 2018. Tóm lại, điều này có nghĩa là Fed tin rằng lạm phát sẽ không đạt mức 2% cho đến năm 2019.

Tình trạng lạm phát ảm đạm đã khiến Fed phải giảm bớt mục tiêu dài hạn đối với lãi suất chuẩn của Mỹ. Mặc dù trong nhiều năm qua, các quan chức dự đoán lãi suất này sẽ trở về mức 3%, nhưng dự báo đó đã giảm xuống còn 2.8%.

12 trong số 16 thành viên của FOMC kỳ vọng sẽ có thêm 1 đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay./.