Giao dịch quỹ đầu tư: Sôi động tại MWG, FPT, MBB, VCG

[Chuyển động quỹ đầu tư tuần 16/09-22/09/2017]

Giao dịch quỹ đầu tư: Sôi động tại MWG, FPT, MBB, VCG

Giao dịch quỹ đầu tư tuần vừa qua (16/09-22/09) tiếp tục là những đợt sang tay, gom hàng “sôi động” cả về số lượng và khối lượng; trong đó xuất hiện nhiều giao dịch đạt khối lượng lên tới hàng triệu, hàng chục triệu cổ phiếu.

Dòng tiền quỹ ngoại tiếp tục hướng đến những cổ phiếu tăng trưởng tốt cả về giá và kết quả kinh doanh như Ngân hàng Quân đội (MBB), FPT, Thế giới di động (MWG), Viglacera (VGC),…

Dragon Capital là cái tên hoạt động tích cực nhất tuần qua. Tại MBB, vào thời điểm giá cổ phiếu ngân hàng này tăng hơn 74% so với đầu năm 2017, các đơn vị liên quan đến Dragon Capital gồm Norges Bank và Wareham Group Limited đã chuyển nhượng tổng cộng 10 triệu cp MBB cho Composite Capital Master Fund LP. Ước tính tại mức giá 22,950 đồng/cp của cổ phiếu MBB chốt phiên ngày giao dịch 20/09, Dragon Capital có khả năng thu về gần 230 tỷ đồng sau thương vụ này.

Giao dịch trên được thực hiện trước ngày MBB chốt quyền nhằm chi trả cổ tức 5% đợt 2/2016 bằng cổ phiếu (02/10). Được biết, MBB sẽ phát hành thêm 85.6 triệu cp trả cổ tức đợt này. Cùng với đó, MBB dự kiến phát hành hơn 17 triệu cp ESOP với giá 10,000 đồng/cp, thời gian thực hiện từ ngày 18/09 đến ngày 03/10.

Trước đó, ngày 15/09, Kim Vietnam Growth Equity Fund cũng đã sang tay 1.2 triệu cp MBB cho Vietnam Holding Limited. Có thể thấy, các giao dịch cổ phiếu MBB đều diễn ra ngoài sàn trong bối cảnh room ngoại của MBB đã khóa và kín ở mức 20%.

Sau MBB, nhóm quỹ Dragon Capital tiếp tục chuyển nhượng hơn 3.13 triệu cp FPT cho Macquarie Bank Limited vào ngày 21/09. Trước đó Dragon Capital từng chuyển nhượng 350,000 cp FPT cho Lloyd George Indian Ocean Master Fund (06/09) và 1.4 triệu cp FPT cho NTasian Emerging Leaders Master Fund (24/07).

Một thương vụ đáng chú ý vào giữa tháng 8/2017 là FPT đã hoàn tất việc chuyển nhượng 30% vốn điều lệ (6 triệu cp) tại FPT Retail cho các quỹ thuộc Dragon Capital và VinaCapital. Sau thương vụ này, sở hữu của FPT tại FPT Retail giảm từ 85% xuống 55%. FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam; tính đến hết tháng 7/2017, Công ty đang vận hành 438 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc.

7 tháng đầu năm 2017, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất 23,587 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1,086 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, Dragon Capital lại có động thái ngược lại ở MWG khi gom vào 2.36 triệu cp từ ngày 08/09, nâng tỷ lệ sở hữu lên 11.23% (34.6 triệu cp). Dragon Capital thời gian qua từng liên tục nhận chuyển nhượng cổ phiếu MWG: 3 triệu cp MWG từ Mekong Enterprise Fund II Ltd (08/09), 728,000 cp MWG từ Frontaura Global Frontier Fund LLC, 208,750 cp MWG từ The Genesis Emerging Markets Investment Company (01/09) và 2 triệu cp MWG từ CDH Electric Bee Limited (28/07).

Giá cổ phiếu MWG cũng liên tục phá đỉnh mới. Nếu tính theo giá điều chỉnh, cổ phiếu MWG đã tăng hơn 50% giá trị so với đầu năm 2017 và dừng ở mức 116,900 đồng/cp (chốt phiên giao dịch 22/09).

Ngày 12/09, nhóm quỹ đầu tư thuộc VinaCapital đã hoàn tất mua vào 5 triệu cp VGC, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 5% và trở thành cổ đông lớn. Tính theo giá VGC chốt phiên ngày này (20,000 đồng/cp), VinaCapital đã chi cả trăm tỷ đồng để mua được số cổ phiếu trên.

Tương tự MWG, giá cổ phiếu VGC liên tục xác lập đỉnh mới thời gian gần đây. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu VGC đã tăng 62.5% về giá trị và đang giao dịch quanh mức 23,400 đồng/cp.

Mới đây, VGC công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2017 với tổng doanh thu thực hiện 3,258 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 63% kế hoạch năm; lợi nhuận toàn Tổng công ty đạt 78.7% kế hoạch năm (lợi nhuận kế hoạch hợp nhất cả năm 2017 là 844 tỷ đồng), lợi nhuận công ty mẹ đạt 89% kế hoạch năm.

Ngày 11/09, sau khi gom vào 7.82% vốn BT6 (gần 2.6 triệu cp), Golden Trinity Assets Limited đã thay thế Maybank Kim Eng Securities Pte. Ltd (MBKE) trở thành cổ đông lớn của Công ty này. Được biết, trước đó khoảng 1 tuần, MBKE đã thực hiện bán ra đúng bằng số cổ phần Golden Trinity Assets Limited mới mua vào, qua đó không còn là cổ đông của BT6.

Cổ phiếu BT6 gần như đứng tại mức giá 5,000 đồng/cp suốt quý gần đây, khối lượng giao dịch trung bình chỉ hơn 2,700 cp/phiên.

Vietnam Holding Ltd cũng trở thành cổ đông lớn của Gỗ Đức Thành (GDT) sau khi gom vào gần 195,000 cp và nâng tỷ lệ sở hữu lên 5.02%. Ngược lại, từ 30/06 đến 15/09, Quản lý quỹ SSI đã nhận 488,982 cp thưởng, mua 264,432 cp và bán 476,472 cp của Ô tô Hàng Xanh (HAX); qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 6.18% xuống 4.96% và không còn là cổ đông lớn.

Còn AFC Vietnam Fund (AFC VF Limited), trong hai ngày 13-14/09, quỹ này mua vào thêm 40,700 cp CPC, 19,500 cp HCT và 18,200 cp HAD. Kể từ cuối tháng 4/2017, AFC Vietnam Fund đã gom vào hàng loạt các cổ phiếu vừa và nhỏ như GTA, TXM, NST, STC, MCF, HCT, CPC, SMT, VTB. Hiện AFC Vietnam Fund đều là cổ đông lớn của các công ty này.

Tính đến cuối tháng 8/2017, giá trị tài sản ròng (NAV) của AFC Vietnam Fund đạt 1,821 USD, tăng 82% so với thời điểm vừa thành lập (23/12/2013). Những khoản đầu tư lớn trong danh mục của AFC Vietnam Fund gồm ABI chiếm 3.4% NAV, SMT 2.5%, PMC 2.2%, CPC 2.0% và NSC 1.9%. Danh mục của AFC Vietnam Fund bao gồm 76 khoản đầu tư với 5% giá trị tài sản là tiền mặt.

Top danh mục đầu tư của AFC Vietnam Fund tính đến cuối tháng 8/2017

Tổng hợp giao dịch quỹ đầu tư công bố trong tuần 16/09-22/09/2017