Châu Âu muốn tạo một phiên bản IMF của riêng mình?

Châu Âu muốn tạo một phiên bản IMF của riêng mình?

Sau nhiều chương trình cứu trợ, mối quan hệ giữa châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể sắp thay đổi đáng kể.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang tìm hiểu các cách thức để tăng cường quyền lực của Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) – một quỹ hỗ trợ các quốc gia thuộc Eurozone đang cần vay mượn tiền, và cuối cùng là để Cơ quan trên thay thế sự hiện diện của IMF trong các đợt cứu trợ.

Theo dự kiến, kế hoạch chi tiết từ Ủy ban châu Âu (EC) sẽ được công bố trước thời điểm kết thúc năm 2017, nhưng ý tưởng chung ở đây là nhằm nâng cao trách nhiệm cho ESM để giám sát và thúc ép sự tuân thủ trong suốt chương trình cứu trợ – về cơ bản thì đây là các nhiệm vụ của IMF.

“Eurozone giờ đã phục hồi mạnh hơn so với vài năm về trước. Tôi tin rằng ESM hiện nay sẽ dần phát triển thành Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) – nhưng vẫn phải tuân theo các luật lệ và thẩm quyền của Liên minh châu Âu (EU)”, Jean-Claude Juncker, Chủ tịch của EC, cho biết hồi tháng 9/2017.

Tại sao Eurozone lại cần phát triển một phiên bản IMF của riêng mình?

Theo quan điểm của các quan chức và nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ý tưởng ở đây là nhằm củng cố mối liên kết trong nội bộ Eurozone, và từ đó nâng cao khả năng chống chịu của khu vực này trước các cú sốc tài chính.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là việc xây dựng EMS sẽ giúp châu Âu không còn lệ thuộc vào IMF mỗi khi có một quốc gia thuộc Eurozone cần sự cứu trợ về tài chính.

Theo quan điểm của Carsten Brzeski, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ING, Eurozone muốn xây dựng một cơ quan để chuẩn bị các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong tương lai.

Trong một lá thư điện tử, ông Brzeski cho hay: “Việc tạo dựng EMF sẽ giúp Eurozone tự mình giải quyết được các vấn đề nội bộ mà không cần nhờ đến cơ quan bên ngoài”.

Sự xuất hiện của EMF có thể được nước Đức đặc biệt hoan nghênh. Nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Eurozone là một trong những quốc gia quan trọng nhất của EC. Cụ thể, Đức chịu trách nhiệm theo dõi mức độ tuân thủ của các quốc gia đối với các quy định về thâm hụt và nợ. Tuy nhiên, mặc dù đã có một số quốc gia ở Eurozone chưa làm đúng theo quy định, nhưng EC vẫn chưa bao giờ áp đặt lệnh phạt.

Với việc ESM là một cơ quan liên Chính phủ và được xem là không chịu sự chi phối về mặt chính trị, một số chuyên gia phân tích cho rằng Cơ quan này có thể là câu trả lời cho lời kêu gọi của Đức để áp dụng các quy định tài chính châu Âu một cách hiệu quả.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi