Chỉ mong tính thuế công bằng

Chỉ mong tính thuế công bằng

Có rất nhiều thực tế cho thấy, người thu nhập nhiều đóng ít, còn người thu nhập ít lại đóng không sót một đồng thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Tại một hội thảo liên quan đến ngành thuế diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TPHCM lấy dẫn chứng về chuyện công bằng thuế TNCN giữa người làm công ăn lương với người bán hàng đa cấp, bán bảo hiểm.

Những người làm công ăn lương, ngay khi phát sinh thu nhập đã được chính nơi chi trả trừ thuế. Đơn giản là nơi chi trả có nghĩa vụ này và hoàn toàn không muốn rắc rối với cơ quan thuế nếu không tuân thủ.

Phương pháp tính là theo bậc lũy tiến. Từ 9 triệu đồng trở lên là bắt đầu đóng thuế (nếu có thêm một người phụ thuộc thì được thêm 3,6 triệu đồng/tháng/người nữa). 5 triệu đầu tiên đóng 5% rồi cứ thế tính lên. Cao nhất là đóng 35% cho các khoản thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, những người bán hàng đa cấp, bán bảo hiểm... lại đang được hưởng chính sách đóng thuế vãng lai 10% trên doanh thu từng lần (từ 2 triệu đồng trở lên mới phải đóng). Tính thuế kiểu này, theo ông Nghĩa là vô cùng chênh lệch và không khuyến khích được người làm công ăn lương.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TPHCM, chia sẻ thêm vì thu nhập vãng lai 2 triệu đồng trở lên mới bắt đầu đóng thuế nên người ta có rất nhiều cách để... lách. Phổ biến nhất hiện nay là chỉ trả 1,9 triệu đồng/lần. Chính vì vậy mà bất công chồng bất công. Những đối tượng như nghệ sĩ với nhiều khoản thu nhập, nhiều nơi chi trả thu nhập, chuyện thất thoát thuế rất rõ ràng.

Nếu đem so sánh cách tính thuế kể trên với cá nhân kinh doanh thì lại thấy có... vấn đề. Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ bán hàng hóa, dịch vụ từ 100 triệu đồng/năm, tức 8,4 triệu đồng/tháng là bắt đầu đóng thuế. Doanh thu hàng tháng của họ được khoán (ấn định) từ đầu năm, nghĩa là nếu có buôn bán ế vì lô cốt chắn ngang nhà thì doanh thu tính thuế cũng vẫn ở mức đó. Không những vậy, doanh thu 105 triệu đồng/năm thì đóng thuế theo mức tỷ lệ phần trăm (tùy theo loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh) nhân với doanh thu 105 triệu này chứ không phải là nhân với 5 triệu đồng vượt lên. Với những quy định như vậy thì theo lý thuyết (tức có đăng ký thuế một cách đầy đủ khi kinh doanh), bán 10 tô phở/ngày với giá 30.000 đồng/tô là đã bắt đầu đóng thuế, không phụ thuộc vào việc tiền lời trên mỗi tô phở nhiều, ít bao nhiêu.

Những bất cập này đã tồn tại rất lâu và gây tác động xấu đến chính chuyện... thu thuế. Tư duy “tận thu” này khiến thất thu thuế ở khu vực cá nhân kinh doanh rất nhiều vì có sự “bắt tay” giữa cán bộ thuế và người kinh doanh để giảm mức thuế phải đóng, và vì người kinh doanh trốn thuế.

Bản thân cơ quan thuế cũng đã thấy vấn đề và đề xuất sửa. Tuy nhiên, có cái điều chỉnh, có cái lại không. Gần đây nhất, Bộ Tài chính đề xuất nới rộng bậc chịu thuế, giảm mức thuế đóng với bậc cao cho đối tượng làm công ăn lương theo hướng, vẫn là thu nhập 9 triệu đồng/tháng (nếu không có người phụ thuộc) mới bắt đầu tính thuế nhưng 10 triệu đồng sau đó mới tính thuế 5% (lâu nay là 5 triệu), từ 10-30 triệu tính thuế 10% (lâu nay từ 5-10 triệu)... Đề xuất này được đánh giá là tích cực với người làm công ăn lương.

Bộ Tài chính cũng đề xuất nâng mức đánh thuế với các khoản thu nhập vãng lai, từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng/lần. Mức thuế suất vẫn là 10%.

Tuy nhiên, với cá nhân kinh doanh, ở đề xuất sửa Luật Thuế TNCN lần này, Bộ Tài chính không điều chỉnh quy định doanh thu 100 triệu đồng/người/năm phải đóng thuế. Trong khi vào năm 2015, chính bộ này đã đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế của đối tượng này lên mức 150 triệu đồng/năm để giải quyết những bất cập.

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, Luật Thuế TNCN đã được thi hành từ năm 2007 đến nay, dù có sửa đổi, bổ sung vài lần nhưng vẫn chắp vá kiểu thấy bất cập đến đâu thì sửa đến đó, không có tính hệ thống và công bằng. Có nhiều điểm không hợp lý, cơ quan thuế thấy, biết nhưng dường như chấp nhận, không đụng đến vì chưa có cơ sở nền tảng (nhân lực, công nghệ) để quản lý, thực thi và vì thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân vẫn phổ biến, ý thức lấy hóa đơn chưa có... Ví dụ như chuyện thu thuế với hoạt động bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, Zalo). Chính vì vậy mà nguyên tắc cốt lõi là công bằng thuế chưa được đảm bảo và lại tác động ngược đến ý thức đóng thuế của các đối tượng. Đó là vòng luẩn quẩn, chuyện con gà và quả trứng.

Vì vậy, mọi sự sửa đổi phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng trên nguyên tắc ưu tiên lợi ích quốc gia và đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, đặt trong mối quan hệ tương quan với các yếu tố như thực tế, cơ sở nền tảng hiện có, các sắc thuế khác... chứ không phải theo hướng đảm bảo nguồn thu (trong khi chi vô tội vạ), chọn cách làm dễ. Bên cạnh đó, mọi biện pháp được thực hiện cũng phải có trọng điểm, đúng điểm rơi, tránh làm theo kiểu phong trào, hô hào hay làm để lấy thành tích. Có như vậy mới khuyến khích được người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ và kích thích khả năng thực thi của chính những cán bộ thuế đang làm nhiệm vụ.

http://www.thesaigontimes.vn/165048/Chi-mong-tinh-thue-cong-bang.html